Bí mật của cái hắt hơi

  •  
  • 9.072

Tướng Xenophon thời cổ Hy Lạp ra sức động viên binh sĩ liều mình chống lại người Ba Tư. Ông nói hàng giờ mà chưa thuyết phục được họ. Bỗng một chiến binh hắt hơi mấy tiếng liền. Ai nấy đều cho rằng đó là lời thần linh nên nhất loạt quỳ xuống, tuân lệnh Xenophon.

Có những hiện tượng xảy ra hằng ngày, quá quen thuộc đến mức chúng ta chẳng bao giờ để ý đến nó, coi thường nó, mà thực ra nó cũng khá quan trọng. Trong số này có hắt hơi. Và quanh cái hắt hơi thật lắm chuyện ly kỳ.

Hắt hơi, nhảy mũi – hiện tượng tâm linh?

Đang làm một việc gì đó, đột nhiên ta thấy ngưa ngứa, tưng tức trong họng, trong mũi rồi không kiềm chế được nữa, một luồng hơi mạnh bật ra kèm theo một âm thanh đặc trưng: Hắt-xì... hơi. Đó là hiện tượng người miền Bắc gọi là “hắt hơi”, còn miền Nam gọi một cách nôm na nhưng hình tượng hơn: “Nhảy mũi”.

Khi hắt hơi, nhiều người nghĩ: “Có ai nhắc đến mình đây!”. Người ta coi hắt hơi như một hiện tượng tâm linh, thể hiện ngoài ý muốn, đáp ứng lại sự chợt nhớ, chợt nghĩ của người nào đó đối với mình. Và ngược lại, mình nhớ đến ai đó hoặc cùng bạn bè nhắc đến người thứ ba thì chính vào thời điểm ấy, người này sẽ hắt hơi.

Không chỉ người Việt mà hầu hết các dân tộc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan... đều tin như vậy. Không giải thích được vì sao hắt hơi, người xưa phó mặc việc này cho thần linh. Thần thoại Hy Lạp kể: Năm 400 trước công nguyên, tướng Xenophon ra sức động viên các chiến binh cùng ông liều mình chống lại người Ba Tư. Ông đã nói hàng giờ nhưng chưa thuyết phục được họ. Bỗng một chiến binh hắt hơi mấy tiếng liền. Ai nấy đều cho rằng tiếng hắt hơi ấy là lời của thần linh ký thác; tất cả nhất loạt quỳ xuống, tuân lệnh ông. Không thiếu những chuyện tương tự trong điển tích của phương Tây, cho rằng sự hắt hơi của mình không do mình mà do một đấng cao siêu điều khiển.

Tính quốc tế của hắt hơi

(Ảnh: Childrenshospital)Tiếng Việt phiên âm hắt hơi thành “hắt xì hơi”. Các tiếng khác đều na ná thế. Người Anh, Mỹ gọi là “Achoo” hoặc “Atchoo”. Người Pháp: “Atchoum”; người A rập: “Atsaa”; người Tây Ban Nha: “Atchis”, người Đan Mạch – “Atjuu”, người Thổ Nhĩ Kỳ – “Hupshuu”, người Na Uy – “Atsjo”... Cái danh sách này kéo dài không dứt.

Sau khi “đổ vấy” nguyên nhân cho thần linh, người ta cũng hiểu ra hắt hơi liên quan đến sức khoẻ. Khi hắt hơi, nếu không do một bệnh tật nào đó ghé thăm thì ít ra cũng là một cơn dị ứng. Người ta hắt hơi càng nhiều khi “ươn mình”, cảm cúm.

Bởi thế, có một thói quen ở Việt Nam là: Mỗi khi có hắt hơi, người bên cạnh liền nhanh mồm nói “ (Chúc) Sức khỏe!”. Nếu hắt hơi tiếng thứ hai, thì “Sống lâu”. Tiếng thứ ba – “Trăm tuổi”, rồi “Bạc đầu”, “Bình yên”, “Vô sự !” cho những tiếng hắt hơi nối theo...

Chúc khi thấy người khác hắt hơi dường như là phong tục của tất cả các dân tộc. Có những cuốn sách dành nhiều trang ghi lại những lời chúc này. Câu chúc mà những người Anh, Mỹ dùng là “Bless you!” (thực ra “God bless you” – Chúa phù hộ cho anh) khi nghe tiếng hắt hơi thứ nhất, “Keep you!” (Hãy bảo trọng) cho tiếng thứ hai, rồi “Give you peace!” (Bình yên nhé) cho tiếng thứ ba.

Nhiều nhất vẫn là câu “Chúc sức khỏe!”. Câu này được dùng bởi những người Tây Ban Nha và đa số dân Mỹ latinh (Salud!), người Bồ Đào Nha, Braxin (Saude!), người Đức (Gesunheit!), người Do Thái (Labriyut!), người Nga, người Tiệp, người Bungari, người Ucraina (Na zdrovie!)... Nói thì khác nhau nhưng cùng một nghĩa. Người Ba Lan, ngoài “Na zdrowie!” còn chúc “Sta let!” (Trăm tuổi).

Nhiều nước còn dùng cái hắt hơi để bói toán, ví dụ hắt hơi vào giờ nào thì báo trước điềm gì, hắt hơi theo kiểu nào thì tính nết ra sao.

Y học nói gì?

Ngày nay, việc giải thích cái hắt hơi thuộc về y học. Theo đó, quá trình diễn ra như sau: Một yếu tố gây kích thích nào đó tác động lên những thụ quan trên màng nhầy, đe dọa sự bình an của cơ thể. Lập tức, chúng báo lên “trung tâm hắt hơi” nằm ở cuống não theo các dây thần kinh số 5 và 7.

Trung tâm này không chậm trễ, gửi một thông điệp đến tất cả các cơ có liên quan để tạo ra một quá trình vô cùng phức tạp là hắt hơi. Những cơ nhận được mệnh lệnh là cơ bụng, cơ ngực, cơ hoành cách, cơ chỉ huy dây thanh đới, cơ họng, cơ mặt và cơ mi mắt (để “đóng” mắt lại cho khỏ bị tác động của luồng hơi “nguy hiểm” bật ra).

Các cơ này phối hợp hành động một cách chuẩn xác và ăn ý lạ thường để trục xuất “kẻ lạ mặt” ra khỏi cơ thể. “Kẻ lạ mặt” ấy khá đa dạng: Vi khuẩn gây cảm cúm đã cư trú sẵn, làm niêm mạc sưng lên và ngứa ngáy; bụi bặm, phấn hoa, lông chó, mèo hoặc các hoá chất, hạt tiêu (chất piperine), bồ kết cháy, pháo nổ...

Đặc biệt, ánh sáng cũng là một nguyên nhân gây hắt hơi. Có 20-30% số người khi nhìn lên trời nắng, hoặc nhìn thẳng vào mặt trời, thậm chí dưới ánh đèn quá sáng, cũng hắt hơi lia lịa. Người ta bảo những người này bị mắc hội chứng hắt hơi (sneeze syndrome) và hội chứng này có tính di truyền từ bố mẹ sang con cái.

Như vậy, hắt hơi chẳng qua là một phản xạ phòng vệ của cơ thể, nhằm mục đích tống khứ ra ngoài những kẻ ngoại xâm chứ không phải một thần linh nào mách bảo. Hắt hơi là tốt chứ không xấu. Nó vừa là phương cách cơ thể tự vệ, “tống” ra ngoài những thứ độc hại, vừa là tín hiệu báo động là một đội quân vi khuẩn lạ đã tấn công để bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc chống lại chúng.

Tất nhiên, cái hắt hơi chẳng chừa ai, đôi khi “sộc” đến không đúng lúc. Ví dụ, ông tổng thống đang trịnh trọng tuyên thệ trước quốc hội, cô diễn viên đang lả lướt nói những lời yêu trên sân khấu...

Số liệu về hắt hơi

Cái hắt hơi được các nhà y học săm soi kỹ lắm. Họ xác định là khi hắt hơi, không khí bị “bùng” ra ngoài với tốc độ rất “đáng nể” - 165 kilomet một giờ. Xin nhớ, gió cấp 12 là cao nhất trong thang Beaufort, gây ra những con bão cực kỳ ghê gớm mà cũng chỉ có tốc độ 117 km/giờ. Mỗi lần hắt hơi, bạn bắn ra từ 2.000 đến 5.000 giọt nước nhỏ li ti, mỗi giọt chứa trung bình 100.000 con vi khuẩn, vi trùng, đi xa được từ 1,5 đến 2 m.

Khi bị cảm cúm, nếu tự do hắt hơi (không che miệng) thì thật là đại họa cho môi trường và những người xung quanh mình. Hắt hơi cũng chẳng bao giờ “độc hành”, mà luôn luôn có hội có thuyền, nghĩa là bao giờ cũng là một tràng 2-3-4 tiếng liên tiếp. Người ta đã ghi âm một người đàn ông hắt hơi một mạch 40 cái, khiến ông mệt đứt hơi. Sách Guinness còn ghi một kỷ lục khủng khiếp: Bà Donna Griffiths ở Pershore (Anh) năm lên 2 bắt đầu hắt hơi từ ngày 13/1/1981 và trong năm đầu tiên, người ta ghi nhận được hơn 1 triệu cái, sau chán, không ghi nữa, và bà (đúng hơn là cô bé lúc đó) chỉ dừng lại ngày 16/9/1983, nghĩa là liền tù tì 978 ngày, kể cả giữa bữa ăn, trừ lúc ngủ. Chắc “nữ hoàng hắt hơi” này xưng hùng xưng bá còn lâu mới có đối thủ.

Còn chúng ta? Chỉ không để ý thôi chứ chẳng ít đâu, mỗi ngày không dưới 4 lần, không kể khi trái nắng trở trời. Nếu vậy, hàng năm chúng ta hắt hơi sơ sơ cũng 1.500 cái.

Theo Vnexpress
  • 9.072