Ông Phùng Văn Thành (65 tuổi, Hà Nội) vừa phẫu thuật ung thư dạ dày, người xanh xao vì thiếu máu. Các con mua thuốc Chibro B12 cho ông dùng với mục đích bổ máu, nhưng cô bác sĩ gần nhà lại bảo thuốc này không có lợi cho bệnh nhân ung thư.
Vitamin B12 có nhiều trong trứng, thịt, sữa (Ảnh: nlm.nih.gov) |
Thiếu vitamin B12 sẽ gây rối loạn sản xuất máu ở tủy xương, dẫn đến thiếu máu nguyên bào khổng lồ (biermer) do hồng cầu không trưởng thành được. Nó được hấp thu qua thức ăn nhờ một yếu tố nội tại chống thiếu máu của dịch vị là gastromucoprotein. Nếu thiếu yếu tố này, vitamin B12 sẽ bị đào thải; do đó trong điều trị, vitamin B12 thường được dùng dưới dạng thuốc tiêm. Chất này thường được chỉ định dùng trong chứng thiếu máu ác tính (biermer), thiếu máu sau khi cắt bỏ dạ dày, thiếu máu do giun móc và các chứng viêm đau nhiều dây thần kinh, suy nhược.
Vitamin B12 có tác dụng tốt với nhiều người bệnh vì nó giúp cho sự phân chia và tái tạo tổ chức tế bào, tổng hợp mạnh protein và chuyển hóa lipid. Nó tham gia tổng hợp thymidylate - một thành phần trong ADN, cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia tế bào trong cơ thể. Nhưng với người bệnh ung thư thì điều này lại không có lợi. Khối u ác tính có những biểu hiện sinh hóa của một tổ chức đang phát triển mạnh, tăng protein có trọng lượng phân tử nhỏ, tăng ADN, ARN và quá trình phân bào. Trong khi đó, vitamin B12 lại thúc đẩy quá trình này.
Với lý do trên, các bác sĩ khuyên không dùng vitamin B12 cho người bệnh ung thư, vì nó có thể làm tăng tốc độ phát triển của tế bào bệnh, làm cho khối u phát triển nhanh. Ngoài ra, vitamin B12 còn có chống chỉ định (tức không được dùng) với người bệnh trứng cá, có tiền sử dị ứng thuốc hay thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.
BS. Vũ Hướng Văn, Sức Khỏe & Đời Sống