Biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường

  •  
  • 60

Sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina khiến thời tiết phức tạp, cùng với biến đổi khí hậu tác động khiến cường độ bão, lũ lụt mạnh hơn.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết cơn bão Yagi diễn ra trong giai đoạn chuyển pha từ ENSO (trung tính) sang pha La Nina (nước biển lạnh đi) bắt đầu từ tháng 9. Tuy nhiên, theo bà Lan sự chuyển pha này không phải là nguyên nhân bão có cường độ mạnh và lũ lụt sau đó ảnh hưởng nhiều tỉnh miền Bắc hiện nay. Lý do chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường, tác động mạnh hơn khiến bão cường độ mạnh, xảy ra dồn dập, mưa lớn lũ lụt, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và kéo dài.

Ngập lụt sau bão Yagi tại phường Yên Ninh, TP Yên Bái ngày 9/9.
Ngập lụt sau bão Yagi tại phường Yên Ninh, TP Yên Bái ngày 9/9. (Ảnh: Ngọc Thành).

Yếu tố tác động mạnh, dị thường của La Nina được chuyên gia khí tượng giải thích, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm bầu khí quyển nóng lên mà nhiều người gọi là sự ấm lên toàn cầu. Bầu khí quyển nóng lên làm nước biển tăng nhiệt độ.

Theo bà Lan, nước biển chỉ cần tăng 0,5 độ C là đủ điều kiện cung cấp nguồn năng lượng khiến các cơn bão có cường độ mạnh hơn. Bầu khí quyền nóng cũng làm thay đổi hoàn lưu, khiến các khối không khí hoạt động mạnh hơn hoặc không theo quy luật của khí hậu, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Bà cho rằng, biến đổi khí hậu là yếu tố chính khiến các hình thái thời tiết bất thường kéo dài các pha từ El Nino, Enso và La Nina khiến thiên tai như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, rét buốt, xâm nhập mặn... ngày càng diễn biến phức tạp, dữ dội, kéo dài hơn.

GS.TS Phan Văn Tân, chuyên gia khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina khiến thời tiết phức tạp, điều này thể hiện rõ nhất qua cơn bão số 3, bão Yagi - được mô tả là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông. "Sự xuất hiện của bão trong thời gian này không phải là điều bất thường nhưng cơn bão mạnh lại là điều bất thường", ông nói và thêm rằng "biến đổi khí hậu làm đảo lộn nhiều thứ về mặt quy luật".

Giai đoạn cuối tháng 8 đầu tháng 9 nước biển nóng ấm hơn các tháng trong năm vì vậy các cơn bão có điều kiện thuận lợi phát triển nhanh. Cộng thêm các yếu tố khác như nhiệt độ mặt biển cao, cơn bão di chuyển chậm với tốc độ vừa phải trong bối cảnh nước biển ấm tích lũy năng lượng nhiều cùng điều kiện độ đứt gió ở mức độ vừa phải sẽ làm cho năng lượng nuôi dưỡng cơn bão tích tụ. Các nguyên nhân này khiến cơn bão phát triển nhanh và mạnh lên rõ rệt, thậm chí trở thành siêu bão.

Ông nói thêm, các bản tin dự báo về El Nino, La Nina được các Trung tâm khí tượng thủy văn thế giới thực hiện (Việt Nam chưa có dự báo) nhằm dự đoán khả năng xảy ra hay xác suất hiện tượng này xảy ra vào tháng nào và sẽ được cập nhật từng tháng một và làm cơ sở cho các tháng sau, kéo dài dự báo trong khoảng 9 tháng trong tương lai. Hiện tại dự báo cho thấy pha La Nina đã bắt đầu xảy ra, dự kiến kéo dài đến ít nhất mùa xuân năm tới.

Theo thống kê, những năm La Nina thường có bão nhiều hơn so với năm El Nino do bộ đối lưu ở vùng phía Tây đẩy vào gần khu vực nước ta, dẫn tới không chỉ bão còn gây mưa nhiều hơn. Kịch bản dự báo lượng mưa trung bình tháng từ nay đến cuối năm sẽ cao hơn so với cách đây nhiều năm, ít nhất khoảng 10-20%. Kết quả dự báo mô hình cho thấy, trong tháng 9 có khả năng sẽ có ít nhất 2 cơn bão (hoặc có thể là áp thấp nhiệt đới hay vụ nhiễu động) tác động vào khu vực biển Đông, ảnh hưởng tới khu vực miền Trung, Bắc Trung Bộ phần nhiều.

Do đó, ông khuyến cáo người dân cần bám sát thông tin dự báo, đặc biệt dự báo thời tiết, theo dõi hiện tượng thời tiết xảy ra bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn hay rét đậm rét hại để có ứng phó kịp thời.

Còn bà Lan cho hay, dự báo trong những tháng cao điểm mưa bão tại Việt Nam từ tháng 9 - 11, có thể xảy ra 2 - 3 cơn trong một tháng. Bão lũ có thể kéo dài đến đầu năm 2025 ảnh hưởng chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Vào cuối năm, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của ít nhất một cơn bão. Bà phân tích do địa hình ở miền Bắc có nhiều đồi núi, dốc, lòng sông rộng và kéo dài, cùng với nhiều hồ thủy điện nên tình hình mưa lũ nhất là lũ quét, lũ ống rất phức tạp, ảnh hưởng lớn người dân.

Để hạn chế thiệt hại của thiên tai, bà Lan nhắc lại giải pháp giữ rừng để giảm tác động của lũ lụt từ thượng nguồn. "Nếu diện tích rừng tiếp tục bị thu hẹp thì thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội và khó lường hơn", bà Lan nói.

Bão Matthew
La Nina có thể dẫn tới những cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương như bão Matthew đổ bộ vào Haiti năm 2016. (Ảnh: NASA).

La Nina và El Nino là hai thái cực của mô hình khí hậu lặp lại có thể ảnh hưởng tới thời tiết trên khắp thế giới. Các chuyên gia cho biết La Nina xảy ra khi nhiệt độ ở phía đông Thái Bình Dương dọc theo vùng phía tây xích đạo của Nam Mỹ mát hơn ít nhất nửa độ C so với bình thường. Ngược lại, trong thời kỳ El Nino, khu vực này ấm lên. Mức biến động nhiệt độ có vẻ rất nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng tới khí quyển theo hiệu ứng lan tỏa khắp hành tinh.

Mỗi tháng kể từ tháng 6/2023, khi El Nino diễn ra, đều thiết lập kỷ lục nhiệt độ cao mới. Vào mùa hè năm 2023, thế giới đã chứng kiến nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục trong 10 tháng liên tiếp. La Nina có thể giúp nhiệt độ dịu đi, nhưng khí nhà kính dẫn tới ấm lên toàn cầu vẫn đang tăng lên. Trong khi sự chuyển đổi giữa El Nino và La Nina có thể gây biến động nhiệt độ trong thời gian ngắn, xu hướng chung là Trái Đất ngày càng nóng hơn.

Theo Live Science, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina sắp tới và nhiệt độ bề mặt Đại Tây Dương cực ấm hiện nay, nhóm nghiên cứu khí hậu và thời tiết nhiệt đới thuộc Đại học Colorado dự đoán mùa bão Đại Tây Dương rất mạnh, ước tính 23 cơn bão có tên gọi (cao hơn mức trung bình là 14,4) và 5 cơn bão cấp 3 hoặc cao hơn. Năm nay có thể giống năm 2010 và 2020, cả hai năm đều có mùa bão sôi động, dù không chắc chắn bão mạnh có ảnh hưởng tới đất liền không.

Cập nhật: 12/09/2024 VnExpress
  • 60