Biến đổi khí hậu nhanh chóng buộc các nhà khoa học phải đánh giá các chiến lược bảo tồn

  •  
  • 601

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đang đánh giá một cách khách quan những biện pháp có thể giúp các loài sinh vật thích ứng với biến đổi khí hậu nhanh chóng và các mối đe dọa khác về môi trường sống thông qua các chiến lược được coi là quá triệt để tới mức không thể xem xét áp dụng thực tế trong vòng 5 – 10 năm trở lại đây. Một trong những chiến lược triệt để đang được xem xét là việc “di chuyển có sự quản lý của con người.” Di chuyển có quản lí, hay còn gọi là “di trú có hỗ trợ của con người”, là việc di chuyển một cách thủ công các loài sinh vật tới nơi sống thích hợp hơn môi trường sống hiện tại của chúng.

Một công cụ mới mang tính đột phá có thể giúp các nhà hoạch định chính sách quyết định có nên, khi nào, và làm sao để sử dụng biện pháp di chuyển có quản lý đã được trình bày chi tiết trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) bởi một nhóm nghiên cứu đa ngành.

Đây là kết quả của một nghiên cứu do Quỹ hỗ trợ Khoa học Quốc gia (NSF) tài trợ kinh phí một phần. Đứng đầu nhóm tác giả là các nhà khoa học: Jessica Hellmann và Jason McLachlan thuộc Đại học Notre Dame, Dov Sax thuộc đại học Brown, và Notre Dame thuộc đại học California tại Davis. David Richardson thuộc đại học Stellenbosch, Nam Phi là người viết báo cáo chính.

Công cụ mà các nhà nghiên cứu đưa ra mang tính đột phá vì di chuyển có quản lý đã bị xếp loại bất khả thi do một số nhà khoa học lo ngại loài được di chuyển sẽ phát triển quá mức ở môi trường sống mới, phá vỡ cân bằng tự nhiên và làm tuyệt chủng những loài vốn sống ở đó, hoặc gây ra tác hại như chặn đường ống dẫn nước loài trai sọc vằn từng làm ở Great Lakes. Tuy nhiên, một vài nhóm các nhà ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường đã bắt đầu thực hiện hoặc đang lên kế hoạch xem xét thực hiện biện pháp này.

Làm điều gì đó hay là không làm gì cả?

Vậy tại sao di chuyển có quản lý, một biện pháp từng bị coi là cấm kị, và tiềm ẩn những nguy hại, giờ đây lại được xem xét áp dụng một cách nghiêm túc? “Bởi vì,” Hellmann nói, “biến đổi khí hậu là một thực tế ngày càng rõ ràng, nó diễn ra mỗi lúc một nhanh hơn với phạm vi rộng hơn. Hậu quả sẽ được thấy rõ ngay trong những thập kỉ tới.” Do vậy, hành động của con người là yêu cầu khẩn thiết hơn nhiều so với 5 – 10 năm trước, khi mà lượng khí nhà kính trong khí quyển ở mức thấp hơn. Giờ đây, chúng ta đang đối mặt với mức độ cao hơn của biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, cách ứng xử “không làm gì cả” trước biến đổi khí hậu cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro. Hellman phát biểu, “Trước đây chúng ta có thể nói “hãy để tự nhiên tự ứng phó”. Nhưng giờ đây con người đã làm thay đổi thế giới, nên con người không thể để tự nhiên tự xoay sở được nữa. Cả hành động và không hành động đều tiềm ẩn trong nó những kết quả tiêu cực.” Do vậy, Richardson nói thêm, “chúng ta phải phát triển các công cụ và cách thức mới để cân bằng những rủi ro của hành động so với không hành động.”

Di chuyển có quản lý không phải là chiến lược thích ứng duy nhất gây tranh cãi hiện đang được các nhà khoa học xem xét. Các chiến lược tương tự bao gồm: tăng thêm dưỡng chất cho các đại dương để tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính, từ đó làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo tồn những hành lang di trú có khả năng mở rộng hàng ngàn kilomet, và lưu giữ sự đa dạng gien của các loài sinh vật tại các ngân hàng giống.

Lo ngại về tốc độ

Trước đây nhiều loài đã vượt qua những giai đoạn biến đổi khí hậu chậm hơn bằng cách tiến hóa hoặc tự chuyển đến ở những môi trường sống thuận lợi hơn. Nhưng những chiến lược tồn tại như vậy thường bị hạn chế bởi: 1) đô thị và các rào cản phi tự nhiên cản trở việc di chuyển đến nơi ở mới, và 2) tốc độ của biến đổi khí hậu, với tác hại làm tăng nhiệt độ trung bình Trái đất thêm 6 độ C trong vòng 100 năm tới – một mức tăng quá lớn trong tự nhiên.

Khi nhiệt độ tăng lên, một phần đáng kể các loài sinh vật trên Trái đất có thể không thể tồn tại được – giống như cá trong môi trường không nước – trong các môi trường sống đã trở nên quá nóng, quá khô, quá không phù hợp đối với chúng theo cách nào đó. Do vậy, chúng rất dễ bị tuyệt chủng hoặc mất đi những phân khúc gien quan trọng của loài. Những mất mát này có thể phá vỡ những hệ sinh thái lớn và phá hủy các hệ thống nông nghiệp, văn hóa và kinh tế.

Một con rùa sống bên rìa thành phố Athen, Hi Lạp. (Ảnh: Dov Sax)

Công việc mạo hiểm

Những phân tích về di chuyển có quản lý của nhóm nghiên cứu vẫn chưa kết thúc được tranh cãi xung quanh việc áp dụng chiến lược này, thậm chí đôi khi ngay cả trong nội bộ các thành viên nghiên cứu. Tại sao di chuyển có quản lý lại gây nhiều tranh cãi đến vậy? Bởi vì nó liên quan tới câu hỏi: Liệu chúng ta có thực sự đủ hiểu biết để dự đoán được các sinh vật sẽ phản ứng thế nào trong môi trường mới, và liệu chúng có gây hại gì cho môi trường đó không?

“Các kết quả của việc vô tình hoặc chủ ý đưa một loài tới môi trường sống mới đã cho chúng ta nhiều bài học đáng giá,” Richardson nói. Những dự báo về khả năng thích ứng, cũng như những ảnh hưởng của nó tới môi trường mới không thể được khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra các dự báo cùng với một phạm vi chắc chắn/ không chắc chắn nhất định.

Do vậy, các nhà nghiên cứu đưa ra công cụ này để giúp tính toán được những rủi ro, lợi ích thu được cũng như chi phí của việc di chuyển – những vấn đề mà nhiều quyết định liên quan tới môi trường tự nhiên thường không tính đến. Cụ thể, nó cung cấp cho các bên liên quan một hệ thống tính điểm dựa trên các tiêu chí đa ngành. Những tiêu chí này bao gồm: khả năng thành công của việc di chuyển, mức độ rủi ro gây hại cho môi trường tiếp nhận, chi phí tiến hành, nguy cơ xâm phạm Luật Bảo Tồn các Loài Quý hiếm, và tầm quan trọng về mặt xã hội, văn hóa của loài đó.

So sánh số điểm của các bên liên quan giúp họ xác định được nguồn gốc của những bất đồng, từ đó tìm cách thống nhất và giải quyết. Tuy nhiên, bản thân công cụ này không đưa ra các khuyến nghị về mặt quản lý.

“Công cụ này vận dụng được một thực tế: mặc dù khoa học không thể nói chính xác điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng có thể cho chúng ta biết xác suất của kết quả thành công là bao nhiêu – một thông tin rất hữu ích cho các nhà hoạch định,” Nancy Huntly, giám đốc chương trình NSF phát biểu.

Không chỉ hữu ích đối với các loài đang bị đe dọa

Không chỉ đề cập tới di chuyển có quản lý đối với các loài đang bị đe dọa, công cụ các nhà nghiên cứu mới tạo ra cũng có thể áp dụng cho:

Di chuyển có quản lý các loài không có nguy cơ tuyệt chủng. Ví dụ, bài viết trên tờ PNAS của nhóm nghiên cứu áp dụng công cụ này để giải quyết những tranh cãi quanh việc có nên trồng một số loài cây gỗ cứng Bắc Mỹ lên vùng phía trên vành đai phía bắc, lan tới tận các rừng tùng bách hay không. Ứng dụng này đề xuất việc di chuyển có thể được hỗ trợ kinh phí bởi các nhà trồng rừng thương mại đánh giá cao tiềm năng giá trị kinh tế của những giống cây này công nhận tính khả thi cao cùng rủi ro thấp của hệ sinh thái tiếp nhận. Ngược lại, những người ủng hộ bảo vệ môi trường thiên nhiên, vốn đánh giá cao di sản tự nhiên của hệ sinh thái tiếp nhận, có thể nhận thấy ít lợi ích và nhiều rủi ro hơn.

Các chiến lược thích ứng thay đổi khí hậu gây tranh cãi (ngoài di chuyển có quản lý) hiện đang được các nhà khoa học xem xét.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 601