Biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng tỷ người thiếu hụt chất dinh dưỡng vì thực phẩm nghèo nàn

  •  
  • 347

Trong 30 năm tới, lượng CO2 tăng cao trong bầu khí quyển có thể khiến loài người bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là protein, sắt và kẽm.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học quốc tế đang cho thấy một thực trạng đáng báo động. Trong vòng 30 năm tới, biến đổi khí hậunồng độ CO2 cao trong khí quyển có thể dẫn đến tình trạng con người bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng.

Biến đổi khí hậu có thể làm chậm tiến độ cải thiện dinh dưỡng toàn cầu.
Biến đổi khí hậu có thể làm chậm tiến độ cải thiện dinh dưỡng toàn cầu.

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) cùng đồng tác giả Timothy Sulser cho biết: "Thế giới đã đạt được rất nhiều sự tiến bộ trong việc giảm suy dinh dưỡng trên toàn cầu nhưng sự gia tăng dân số toàn cầu trong vòng 30 năm tới sẽ đòi hỏi thế giới phải tăng năng lực sản xuất thực phẩm thì mới có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Những phát hiện mới cho thấy, biến đổi khí hậu có thể làm chậm tiến độ cải thiện dinh dưỡng toàn cầu bằng cách làm giảm các chất dinh dưỡng chính quan trọng trong thực phẩm".

Tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm giảm lượng protein, sắt và kẽm tiêu thụ theo đầu người lần lượt 19,5%, 14,4% và 14,6%. Các nhà nghiên cứu cũng đã tính đến những cải tiến quan trọng trong nông nghiệp nhưng hiệu quả của nó khó có thể bù đắp được các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Đặc biệt, các tác động của biến đổi khí hậu không giống nhau ở mọi nơi trên thế giới. Nhóm ước tính các tác động sẽ bao trùm khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi, Nam Sahara, Bắc Phi và Nga.

Robert Beach, chuyên gia kinh tế cao cấp và một trong những tác giả của nghiên cứu nhìn nhận: "Nhìn chung người dân tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình lấy phần lớn chất dinh dưỡng từ thức ăn có nguồn gốc thực vật. Nhưng chúng cũng dễ chịu ảnh hưởng hơn so với các nguồn thức ăn động vật".

Điều đáng nói là đây cũng là những khu vực được dự báo sẽ có tốc độ gia tăng dân số lớn và tất nhiên kéo theo nhu cầu tiêu thụ một lượng thực phẩm khổng lồ.

Tình trạng thiếu chất dinh dưỡng cũng thay đổi tùy theo từng loại cây trồng.
Tình trạng thiếu chất dinh dưỡng cũng thay đổi tùy theo từng loại cây trồng.

Tác động của tình trạng thiếu chất dinh dưỡng cũng thay đổi tùy theo từng loại cây trồng, đặc biệt là cây lương thực. Ví dụ như việc thiếu hụt chất dinh dưỡng từ lúa mì. Đây là một thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong chế độ ăn của nhiều người trên thế giới. Do đó bất kỳ sự thay đổi nào về số lượng lúa mì trên thế giới có thể tác động đến lượng chất dinh dưỡng mà một người nhận được.

Hiện tại mô hình nghiên cứu mới chỉ giới hạn tới năm 2050 tuy nhiên Sulser cho biết, tình trạng trên có thể kéo dài tới cuối thế kỷ này. Tới lúc đó, tình trạng suy dinh dưỡng sẽ còn khủng khiếp hơn nữa.

Sulser nhấn mạnh: "Chế độ ăn và sức khỏe của con người vô cùng phức tạp và khó dự đoán. Với việc lượng chất dinh dưỡng ngày càng suy giảm và biến đổi khí hậu sẽ làm cho mọi thứ càng thêm phức tạp, ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm suy dinh dưỡng trên thế giới".

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health mới đây.

Cập nhật: 01/08/2019 Theo vnreview
  • 347