Biến gạch phế liệu thành bêtông

  •  
  • 2.114

Ý tưởng tận dụng gạch vụn, đá dăm, xà bần,… từ những đống đổ nát trong thiên tai để biến chúng thành bêtông giúp tăng năng suất ngành xây dựng và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Tăng năng suất xây dựng nhờ phương pháp biến gạch phế liệu thành bêtông

Những vụ tai nạn, thiên tai, chiến tranh mỗi năm đã tạo ra một lượng lớn vật liệu xây dựng thải bao gồm gạch vụn, đá dăm, xà bần,… Số gạch vụn này không chỉ tốn thời gian, tiền bạc để thu dọn mà còn tốn diện tích và hủy hoại môi trường sống, đe dọa sức khỏe con người. Tuy nhiên, một phương pháp mang tính đột phá đã ra đời nhằm biến vật liệu thải trở thành bêtông xây nhà, giúp giải quyết bài toán hóc búa trên và tăng năng suất ngành xây dựng.

Biến gạch phế liệu thành bêtôngPhương pháp biến gạch vụn từ đống đổ nát thành bêtông giúp ngành xây dựng giải quyết bài toán nâng cao năng suất chất lượng

Theo đó, công ty The Mobile Factory (Hà Lan) gần đây đã tìm ra giải pháp biến gạch vụn thành thứ có ích. Ý tưởng mang tính cách mạng này được nhen nhóm kể từ trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Haiti ngày 12/1/2010 làm hơn 50.000 người thiệt mạng và hàng chục ngàn nhà cửa bị phá hủy. Dù đã 5 năm trôi qua, 25 triệu tấn gạch vụn vẫn nằm rải rác khắp quốc gia này.

Với các nhà khoa học, gạch vụn là một "sát thủ" thật sự. Nó là nguồn ô nhiễm lớn nhất thế giới về khối lượng, gây hủy hoại môi trường và đe dọa sức khỏe những người buộc phải sống chung với nó. Để giải quyết vấn đề này và giúp người nghèo có được một ngôi nhà vững chãi mà không tốn kém, The Mobile Factory đã gom gạch vụn lại, cho vào máy xử lý và biến chúng thành bêtông lỏng. Bêtông này sau đó sẽ được "chuyển hóa" thành các khối xây dựng Lego và công nhân xây dựng chỉ việc lắp ráp chúng lại thành nhà mới.

Biến gạch phế liệu thành bêtông
Dù được xây dựng từ gạch vụn nhưng ngôi nhà này hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng thi công công trình

Cùng chung ý tưởng biến phế thải thành vật liệu có ích này, một kiến trúc sư người Nhật có tên Shigeru Ban cũng giới thiệu ý tưởng làm nhà từ gạch đá, xà bần thu gom ở những đống đổ nát đổ nát để gia cố nhà. Cụ thể, khung nhà được làm bằng gỗ nhẹ, rẻ tiền, dễ vận chuyển, các khung nhà này có thể ráp tiếp nối để tạo ra diện tích sử dụng to nhỏ khác nhau.

Trong khi đó, mái nhà sẽ làm bằng những ống giấy, sản xuất tại địa phương. Khung nhà và mái nhà do đặc tính nhẹ và dễ lắp ráp, có thể được dựng lên rất nhanh chóng, sau đó phủ tạm mái nhà bằng plastic để có chỗ trú tạm thời. Sau đó, chủ nhà sẽ gia cố tường nhà bằng gạch đá, xà bần thu lượm từ đổ nát, dần dần làm cho vách tường và ngôi nhà trở nên vững chãi, có thể ở nhiều năm mới hư.

Biến gạch phế liệu thành bêtông
Ý tưởng tận dụng gạch vụn để nâng cao năng suất chất lượng ngành xây dựng cũng được kiến trúc sư Nhật áp dụng ở Nepal

Đồng thời, việc sử dụng vật liệu nhẹ như giấy, gỗ... sẽ giúp làm giảm thiệt hại nếu như lại có động đất xảy ra. Được biết, dự án này sẽ bắt đầu triển khai ở Nepal vào tháng 8, nơi từng xảy ra trận động đất khiến hàng ngàn người thiệt mạng và san bằng cả trăm ngàn ngôi nhà.

Giới chuyên gia nhận định, công nghệ này sẽ là bước tiến mới giúp tăng năng suất đáng kể cho ngành xây dựng, cho phép nạn nhân động đất, chiến tranh... có cơ hội tạo dựng lại nhà cửa mà không tốn nhiều thời gian, công sức... Thêm vào đó, nó cũng giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường nan giải do gạch vụn gây ra.

Theo VietQ
  • 2.114