Bộ BCVT và Microsoft thống nhất bốn lĩnh vực trọng tâm để phát triển CNTT – Truyền thông Việt Nam

  •  
  • 87

Ngày 21/5/2007, Microsoft và Bộ Bưu chính Viễn thông (Bộ BCVT) đã ký Thoả thuận Hợp tác Nhà nước – Doanh nghiệp nhằm mục đích đẩy mạnh sự phát triển của một ngành kinh tế CNTT - Truyền thông năng động tại Việt Nam. Trong thỏa thuận, Bộ Bưu chính Viễn thông cùng Microsoft đã cùng đi đến thống nhất bốn lĩnh vực trọng tâm cơ bản trong nỗ lực chung nhằm xây dựng một nền kinh tế tri thức cho Việt Nam.
 
Bốn lĩnh vực trọng tâm đó là: sử dụng các công cụ hiệu quả được ứng dụng trên toàn thế giới, xây dựng hạ tầng Chính phủ điện tử và kỹ năng kỹ thuật, thu hẹp khoảng cách số và mở rộng khai thác các doanh nghiệp phần mềm địa phương.

Sử dụng các công cụ hiệu quả

Theo hợp đồng cung cấp bản quyền phần mềm, phần mềm Microsoft Office sẽ được sử dụng hợp pháp trên các máy tính thuộc các cơ quan Chính phủ Trung ương và địa phương. Công cụ năng suất mới này với định dạng Open XML mới sẽ cho phép liên vận hành, nâng cao tính minh bạch cũng như tính tương thích cho hàng triệu văn bản Office hiện đang tồn tại theo các định dạng của Office và cả các văn bản sẽ được tạo ra trong tương lai.

Những lợi ích này sẽ giúp nâng cao hiệu suất làm việc cho các nhân viên thuộc khối Chính phủ, cho phép các nhân viên thuộc các cơ quan khối Chính phủ dành ra nhiều thời gian hơn để đáp ứng các nhu cầu của nhân dân. Đào tạo chuyên sâu cũng sẽ được tổ chức cho các nhân viên chuyên môn của Chính phủ nhằm tối ưu hoá khả năng nâng cao hiệu quả làm việc và mang lại những lợi ích từ việc sử dụng phần mềm có bản quyền.

Một kiến trúc dịch vụ chính phủ điện tử mạnh và đảm bảo

Chính phủ là tổ chức có tác động nhiều nhất đến cuộc sống của người dân. Theo một phần Thoả thuận này, Microsoft và Bộ BCVT sẽ triển khai và thử nghiệm một kế hoạch phát triển hạ tầng cho tương lai nhằm đạt được những lợi ích tốt nhất cho người dân từ việc tương tác điện tử với Chính phủ. Việc này sẽ tạo nền tảng cho Chính phủ Việt Nam cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ cho người dân, nâng cao hiệu quả làm việc cho các cán bộ Nhà nước, tối ưu hoá các nguồn lực tài chính, trao quyền hạn cho người dân và cải thiện hình ảnh tiến bộ của chính phủ. Để hỗ trợ sáng kiến này từ góc độ kỹ năng và chuyên môn, Microsoft và Bộ BCVT sẽ đào tạo 200 nhân viên thuộc các cơ quan Chính phủ để họ trở thành kỹ sư hệ thống Microsoft được Microsft công nhận với những kinh nghiệm thiết kế và triển khai các giải pháp trên nền công nghệ Microsoft.

Thu hẹp khoảng cách số cho người dân nói chung và học sinh - sinh viên nói riêng

Những chương trình đầu tư mới tiếp tục khẳng định cam kết của Microsoft tại Việt Nam. Ngày nay, mới chỉ có khoảng 1 tỷ người trong số trên 6 tỷ dân trên toàn thế giới được tiếp cận máy tính cá nhân. Mục tiêu của những chương trình này là mang lại những lợi ích của công nghệ đến với những khu vực dân cư còn thiệt thòi của Việt Nam – và đây là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế tri thức.

Chương trình TOPIC64 là một chương trình hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Microsoft và một số đối tác khác. Mục tiêu của sáng kiến có thời hạn 2 năm này là đến hết năm tới sẽ trang bị kỹ năng CNTT cho khoảng 120.000 người dân ở các khu vực khó khăn trên khắp cả nước. Một chương trình khác của Microsoft là chương trình Microsoft Partners in Learning với mục tiêu nâng cao kỹ năng cho 50.000 giáo viên, thông qua họ để đào tạo các kỹ năng CNTT cho khoảng 2 triệu học sinh khối phổ thông cho tới năm 2010.

Gây dựng và phát triển các doanh nghiệp phần mềm địa phương

Theo một báo cáo mới đây của ESCAP (một chương trình phát triển khu vực trực thuộc Liên Hiệp quốc), Việt Nam xếp hạng gần chót tại khu vực châu Á về chỉ số sẵn sàng nối mạng (NRI), chỉ số này đo lường “mức độ chuẩn bị của một quốc gia hay cộng đồng đối với việc tham gia và thu lợi từ phát triển CNTT - Truyền thông.” Tuy nhiên, Microsoft và Bộ BCVT đã giới thiệu một loạt các chương trình nhằm xây dựng một ngành công nghiệp phần mềm địa phương hùng mạnh, tận dụng lợi thế của việc gia nhập WTO và đẩy mạnh khả năng sáng tạo của địa phương nhằm biến tài sản sở hữu trí tuệ phân mềm thành sản phẩm mang lại doanh thu xuất khẩu.

Ông Chris Atkinson, Tổng Giám đốc Microsoft khu vực Đông Nam Á cho biết:
“Cùng với Bộ Bưu chính Viễn thông, chúng tôi sẽ thiết lập một nền tảng vững mạnh cho ngành CNTT - Truyền thông của Việt Nam tăng trưởng gấp bốn lần trong vòng 3 năm tới đây. Việt Nam hiện có khoảng 600 nhà cung cấp phần mềm độc lập với 15.000 nhân viên, con số đó năm 1999 chỉ là 170 công ty với 5.000 nhân viên. Trong vòng ba năm tới đây, khi Việt Nam đã có đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế thế giới với tư cách một nền kinh tế thành viên, chúng tôi tin chắc rằng những đầu tư của chúng ta ngày hôm nay sẽ tạo ra những phần mềm tuyệt vời do các công ty Việt Nam tạo ra, và họ chính là những người xuất khẩu sản phẩm sáng tạo của mình ra khu vực và thế giới.”
Một số chương trình nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng của các công ty và doanh nghiệp phần mềm:

- Thiết lập một quỹ Phát triển CNTT-Truyền thông của Microsoft tại Việt Nam – có thể coi đây thực sự là một quỹ đầu tư quan trọng – để Chính phủ Việt Nam và Microsoft có thể hợp tác để cho phép và thực hiện các chương trình phát triển cho toàn ngành CNTT-Truyền thông Việt Nam nhằm nâng cao năng lực ICT của Việt Nam.

- Hỗ trợ 20 nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV) để giúp đỡ họ phát triển sản phẩm phần mềm chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường và thương mại hoá. Mục tiêu là giúp 20 công ty này mỗi năm có được 1-2 dự án mới, giúp họ phát triển nền tảng kỹ năng, thu hút nguồn đầu tư mạo hiểm và phát triển các thị trường khu vực cũng như toàn cầu cho các sản phẩm trí tuệ của mình.

- Thiết lập dự án Giao lưu ngành Công nghiệp, một cộng đồng dành cho các doanh nghiệp phần mềm. Các doanh nghiệp này sẽ được khuyến khích tương tác cũng như khai thác ít nhất 12 dự án lớn mỗi năm – trong đó có khoảng 21 dự án sẽ được phát triển và thương mại hoá từ nay cho tới năm 2010, qua đó không ngừng mở rộng mạng lưới các công ty phần mềm Việt Nam có khả năng đóng góp vào nền kinh tế CNTT-Truyền thông của Việt Nam. Hai bên cũng đồng thuận tổ chức 200 chương trình đào tạo ngắn hạn do các đối tác tư nhân trong ngành tài trợ thông qua cộng đồng giao lưu này.

Với bản thỏa thuận được ký kết trên, Microsoft đã nhìn nhận châu Á là một động cơ đổi mới chính và tin tưởng rằng Việt Nam có cơ hội lớn để hội nhập vào ngôi nhà kinh tế từ bản quyền toàn cầu, và cơ hội đó ngang bằng với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mỹ Đình

Theo VTV
  • 87