Những âm thanh sexy phát ra từ bồ câu đực có thể khiến các nàng bồ câu mê mẩn, và hiệu ứng đó thậm chí cao hơn khi các nàng được ngắm các chàng làm dáng.
Do con đực thường ngắm vuốt và cất tiếng gáy cùng một lúc, kết quả cho thấy có thể việc con đực làm dáng là thừa, bởi nó cũng có chức năng tương tự như âm thanh, nhằm giúp con đực tiếp cận bạn tình.
Con người khi giao tiếp thường kết hợp các tín hiệu, chẳng hạn như vừa nhướn lông mày vừa hỏi: "Em có muốn nhảy không?". Đôi lông mài nhướn có thể bị bỏ qua hoặc hiểu lầm, nhưng cùng với nét mặt và lời nói, sẽ thể hiện được điều muốn nói.
Riêng âm thanh của bồ câu đực cũng đủ là một liều kích thích với bồ câu cái.
"Những tín hiệu âm thanh rất quan trọng với chim: khi con cái chỉ nghe mà không nhìn thấy con đực, chúng trả lời bằng những hành vi mời gọi như đi vòng quanh và xoè đuôi, nhưng điều quan trọng nhất là chúng cất tiếng gáy", tác giả nghiên cứu Sarah Partan tại Đại học South Florida nói.
Partan cho biết gáy là một hoạt động quan trọng bởi nó kích thích sự rụng trứng ở chim cái. Con người thường không phản ứng với âm thanh như vậy, nhưng mùi vị cũng có tác động tới kỳ kinh của phụ nữ.
Partan và cộng sự đã tìm hiểu 6 nàng bồ câu trắng Carneaux phản ứng thế nào với âm thanh và hình ảnh được ghi lại của một con đực đang tìm cách "lấy lòng" cô nàng ở chuồng bên cạnh.
Để tán tỉnh, anh chàng cúi đầu, rướn mình về phía trước, xù lông ngực và cất tiếng gáy. Khi các con cái được xem màn biểu diễn này mà không có âm thanh, một số con dừng lại và theo dõi con đực, nhưng một số khác dường như chẳng bận tâm.
Tuy vậy, khi chỉ được nghe tiếng gáy của con đực, hầu hết các nàng đều chú ý. Chúng phản ứng bằng cách xoè rộng đuôi. Phản ứng mạnh nhất là khi các con cái vừa được xem và nghe con đực, do vậy hành động làm dáng được cho là dư thừa của con đực vẫn giữ vai trò quan trọng.
"Động vật sử dụng các tín hiệu dư thừa đó để tăng hiệu quả, cũng để đảm bảo thông điệp vẫn được gửi trong môi trường ồn ào", Partan nói.
M.T. (theo Discovery)