Bọ chét làm... xiếc

  •  
  • 521

Thân hình chỉ dài có 1,5-1,6 mm nhưng bọ chét khỏe phi thường. Chúng có thể đẩy những quả bóng nặng hơn bản thân mình gấp 30 lần, có thể quay những vòng ngựa gỗ mà trọng lượng gấp 20.000 lần thể trọng trung bình của chúng.

(Ảnh: edpop.com)
Có lẽ trên khắp hành tinh này chỉ có một gánh xiếc duy nhất mà các diễn viên tuy là các đại lực sĩ thực thụ song dù có đốt đuốc giữa ban ngày cũng không thể tìm thấy họ, đó là những chú bọ chét tí xíu. Chúng có thể đẩy những quả bóng, quay những vòng ngựa gỗ nặng hơn nhiều lần so với thể trọng của mình.

Có khoảng một nghìn loài bọ chét (puce) khác nhau. Chúng có mặt ở khắp các châu lục, thậm chí mò đến tận Nam Cực. Tại đây, chúng có thể nằm phục nhiều tháng trời trong các tổ chim trống rỗng chờ đợi những chủ nhân bay về để được thưởng thức một bữa tiệc bằng máu tươi.

Tuy nhiên, bọ chét thích sống ở châu Âu hơn. Ở đây, chúng có thể điều khiển không chỉ các vị khách vãng lai mà còn cả một quốc gia, một dân tộc. Chúng là tác nhân truyền bệnh dịch và bằng cách nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, chúng từng định đoạt số phận của loài người. Chẳng hạn, năm 1374, bệnh dịch hạch do bọ chét chuột gây ra đã cướp đi sinh mệnh của một phần tư dân số châu Âu.

Cũng như hổ và sư tử, bọ chét có thể được tập luyện và lấy làm vui mừng được nhảy múa cho chúng ta xem. Trước đây, những buổi biểu diễn của bọ chét đã mua vui cho các vua chúa, giáo hoàng La Mã. Sau đó, những tấm biển quảng cáo sặc sỡ đã mời chào dân chúng tụ tập ngoài chợ vào rạp xem trò biểu diễn của bọ chét do các nghệ sĩ dân gian điều khiểu.

Vào thời bấy giờ không thiếu “diễn viên”. Chấy, rận và bọ chét sống chung với người. Chỉ cần vô tình gãi một cái là lập tức kiếm ngay được 5-7 “nghệ sĩ xiếc” để làm trò. Một số quý ông đáng kính nằm suốt ngày trên giường do ngứa ngáy tay chân đã bắt chơi trong tấm áo được cả “một dàn diễn viên xiếc” và bắt đầu huấn luyện chúng. Nếu như những chú bọ hút máu được thuần dưỡng này biết làm trò thì có thể đút chúng vào vali và đi mua vui cho thiên hạ để kiếm tiền.

Hiện nay khắp châu Âu chỉ còn một gánh xiếc duy nhất ở Đức mà diễn viên nhào lộn và đi thăng bằng là những chú bọ chét sáng dạ. Điều hành “nhà hát tạp kỹ” độc đáo này là người huấn luyện bọ chét nhà nòi Hans Mates. Đã một thế kỷ rưỡi nay, gia đình Mates chuyên huấn luyện loại côn trùng đó.

Người ta kể rằng tiết mục “nghệ sĩ nhảy múa” do cụ tổ nhà Hans Mates huấn luyện từng được trình diễn trước Đức thánh Cha ở La Mã, và thậm chí đến ngay Sa Hoàng cũng muốn xem. Theo thời gian, cái nghề này tàn lụi dần. Trên quê hương của gia đình Mates, ở Đức, bọ chét đã bị tiêu diệt. Bố của Hans đã phải tuyển mộ các diễn viên bọ chét từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Chính ông đã nhờ bạn bè đi ra nước ngoài bắt cho ông “càng nhiều bọ chét càng tốt”.

Một trò biểu diễn của bọ chét
Một trò biểu diễn của bọ chét (ảnh: worth1000.com)

Song nguyên tắc tuyển lựa “diễn viên” côn trùng rất khắt khe. Người ta chỉ chọn con cái bởi lẽ các con đực thường yếu hơn nhiều về mặt thể lực và không kham nổi các trò xiếc. Người huấn luyện chủ yếu chỉ quan tâm đến loại bọ chét sống với người và loại bọ chét sống với nhím. Những loại “đặc trưng” này hoặc là được nhập khẩu, hoặc là được tổ chức săn bắt.

Hiện nay Hans Mates cùng với gánh xiếc của mình chỉ biểu diễn một lần trong năm. Xiếc bọ chét đỏ đèn ở Munich trong tháng 10, vào những ngày lễ hội dân gian truyền thống. Trong tờ chương trình được in rất đẹp, người ta đọc thấy những tiết mục sau đây: Thi đấu bóng đá, đu quay và đua xe ngựa, tung hứng.

Mates cho rằng bọ chét là loài có năng khiếu, do đó không cần làm tình làm tội chúng bằng việc luyện tập mà chỉ cần sử dụng những khả năng sẵn có của chúng: khỏe và sức bật tốt. “Một số con rất hay nhảy, còn một số con khác lại chạy nhanh hơn. Cần chú ý quan sát lũ bọ chét và chọn ra những con xứng đáng nhất” - Mates nói.

Bọ chét có thể nhảy xa tới 35 cm và cao tới 20 cm. Hơn nữa, chúng có thể gia tăng vận tốc cao hơn 140 lần so với vận tốc rơi tự do. Để so sánh, có thể lấy một ví dụ sau đây: Nhà du hành vũ trụ trong thời điểm xuất phát của tên lửa chỉ hơn vận tốc đó có 61 lần. Khoảng cách mà các diễn viên bọ chét vượt qua trong lúc nhảy bình thường cũng khiến cho mọi người phải ngạc nhiên. “Điều đó cũng hệt như là một người dám nhảy qua đại sảnh đường của Nhà thờ lớn Keln”, nhà ký sinh trùng học Hain Melhorn của Đại học Duseldorf đã nhận xét.

Trong lúc hiểm nguy, bọ chét chỉ mất có một phần nghìn giây để nhảy tránh sang một bên. Không một cơ bắp nào, ngoài cơ bắp của bọ chét, lại có thể phản ứng nhanh đến vậy. Sở dĩ bọ chét có tài đó là nhờ hai miếng đệm bằng rezilin, một chất anbumin có tính đàn hồi cao hơn cao su. Hai miếng đệm bị ép lại đó trong nháy mắt có thể bung ra, hất con bọ chét ra xa và bằng cách ấy đã cứu được sinh mạng của nó.

Từ những con bọ chét có khả năng nhảy vọt như vậy có thể tuyển được những cầu thủ bóng đá bẩm sinh, nhưng dạy chúng đá bóng như thế nào? Ông Mantes nói: “Tôi tận dụng bản năng tự nhiên của loài vật. Tôi mắc vào con bọ chét một bộ đồ thắng làm bằng một sợi dây đồng rất mảnh để nó không chạy mất và đặt nó lên một quả bóng làm bằng chất xốp nặng hơn nó 30 lần".

Quả bóng nằm ở chỗ được chiếu sáng. Còn bọ chét ta thì mong muốn thật nhanh chóng lẩn vào bóng tối. Nó lấy hết sức tách ra khỏi quả bóng và đã làm quả bóng di chuyển, bóng lăn thẳng vào cầu môn. Còn con bọ chét thì, để thưởng cho nó, Mantes giấu nó vào chỗ tối.

Dạy bọ chét nhảy và biến nó thành động viên chạy thi thì còn khó hơn nhiều. Thế nhưng sau đó, nó có thể kéo cỗ xe nặng vài gam hoặc thậm chí đẩy đu quay nặng những 35 gam. Các lực sĩ của chúng ta có nằm mơ cũng không thể nâng được những vật nặng gấp nhiều lần bản thân như vậy.

Có điều phần lớn bọ chét không mấy hào hứng kéo xe hoặc đẩy đu quay, mặc dù tạo hóa ban cho chúng dồi dào sức lực. Chúng cứ thích nhảy nhót, chạy loăng quăng và lộn tùng phèo, song những cảnh này không có trong chương trình biểu diễn của Mantes. Bởi thế, ông đã chọn riêng ra những chú bọ chét không thích kéo xe rồi “dạy” cho chúng biết rằng thứ bọ chét đứng đắn không thích nhảy lung tung.

Lễ hội dân gian ở Munich kéo dài gần 3 tuần lễ. Suốt trong thời gian đó, các “diễn viên” phải được ăn uống đầy đủ. Người ta cho chúng hút máu tươi. Chính giám đốc gánh xiếc và huấn luyện viên đã trở thành con mồi vào những ngày này. Cứ 3 tiếng trong một ngày, Mates đặt “tài tử xiếc tí hon” lên tay mình cho hút máu no nê. Sau khi đã “cơm no rượu say” thì xin mời vào làm xiếc. Chúng lại hăng hái kéo xe, đá bóng và nhảy múa rất sành điệu.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Ogonek, VNE
  • 521