Bò sữa có thể được cho ăn chất ức chế khí methane như một phần của kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ Anh cho biết đang có kế hoạch "khuyến khích" việc sử dụng các chất ức chế, có thể được làm từ hóa chất hoặc các thành phần tự nhiên như rong biển, khi chúng có mặt trên thị trường Anh.
Các nhà khoa học thông tin, 1,5 tỷ gia súc trên thế giới, hàng ngày mỗi con tạo ra tới 500 lít khí methane, và đây là tác nhân đáng kể gây ra biến đổi khí hậu . Khí nhà kính có khả năng gây nóng lên gấp hơn 80 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên trong khí quyển.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, ở Anh, khí methane chiếm hơn một nửa tổng lượng khí nhà kính được tạ ra trong sản xuất nông nghiệp.
Bò tạo ra khí methane thông qua quá trình tiêu hóa và giải phóng khí này chủ yếu thông qua ợ hơi, cũng như trung tiện (xì hơi). (Ảnh: The Telegraph)
Và Chính phủ Anh tin rằng các chất ức chế khí methane, dự kiến sẽ có mặt tại thị trường Anh vào năm 2025, có thể giúp đạt được mục tiêu của nước này là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết: "Gia súc được quản lý tốt có thể mang lại nhiều lợi ích về môi trường và chúng tôi có kế hoạch khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm ức chế khí methane hiệu quả cao sau khi chúng tiếp cận thị trường Anh".
Tom Bradshaw, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh, nói với hãng tin Sky News rằng việc phát triển các sản phẩm ức chế khí methane là rất "thú vị" đối với ngành nông nghiệp: "Mọi người đều nhận ra sự cần thiết phải giảm tác động của biến đổi khí hậu và đây là điều chúng tôi thực sự quan tâm. Đây có thể là một bước rất tích cực cho mục tiêu này".
Tuy nhiên, ông Bradshaw nói thêm, có một số gợi ý rằng các chất ức chế khí ức chế khí methane có thể làm giảm hiệu quả của thức ăn và vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Nông dân cũng phải đối mặt với việc gia tăng chi phí khi mua các chất ức chế, đặc biệt vào thời điểm nhiều người đang phải đối mặt với chi phí thức ăn và phân bón cao hơn.
Ông Bradshaw cho rằng điều này có thể được khắc phục bằng các phần thưởng và ưu đãi từ phía Chính phủ dành cho các nhà sản xuất giảm lượng khí thải của họ.
Bò và các gia súc móng guốc khác, chẳng hạn như cừu và dê, tạo ra khí methane trong khi tiêu hóa cỏ và thức ăn có nguồn gốc hữu cơ. Khoảng 70% tổng lượng khí methane phát thải từ chăn nuôi đến từ quá trình này, 30% còn lại phát sinh từ việc lưu trữ và bón phân.
Các sản phẩm ức chế khí methane có thể cắt giảm lượng khí nhà kính được tạo ra từ quá trình tiêu hóa bằng cách ức chế hoặc phá vỡ các enzym tạo ra khí. Các chất ức chế, có thể được sản xuất từ hóa chất hoặc chất tự nhiên, bao gồm cả rong biển và tỏi, có thể được nghiền thành thức ăn cho gia súc.