Có thể nói ở Việt Nam không có bộ sưu tập cổ sinh nào độc đáo và cổ đến như vậy. Cổ ở đây là nói về thời gian sưu tập.
Bộ sưu tập hóa thạch cúc đá (PGS Nguyễn Khắc Sử cung cấp) |
Tính độc đáo của sưu tập là ở chỗ chúng đã được những người nguyên thủy thời kỳ đồ đá từng sống trên đất nước ta sưu tầm, chắc không với mục đích làm công cụ lao động như những đồ đá do họ tạo ra. Độc đáo nữa là nhiều mảnh hóa thạch thực chất là một mảnh vỡ của viên cuội. Khi chế tác công cụ đá, người nguyên thủy đã đập những viên cuội từ loại đá cát kết cứng chắc.
Một số viên cuội chứa hoá thạch cúc đá (Ammonoidea) bên trong được họ giữ lại. Đó là những đại diện cổ của lớp Chân đầu, cùng với mực và bạch tuộc hiện sống, có vỏ chạm trổ tinh vi và khá đẹp. Vẻ đẹp đó đã được họ lưu ý, giữ lại nơi ở, không sử dụng như các công cụ đá khác. Quan sát các công cụ đá đã được sử dụng, có thể thấy một số cũng được chế tác bằng cách ghè vỡ những viên cuội như thế.
Có thể suy đoán những mẫu hoá thạch cúc đá đã được sử dụng như những vật trang trí, hoặc những vật thờ cúng theo tín ngưỡng buổi sơ khai. Bằng chứng là có viên được mài phẳng một phía, nếu dựng mẫu trên mặt phẳng do mài ấy sẽ thấy mẫu đẹp như một vật trang trí trên bàn viết thời hiện đại. Điều tài tình là ở chỗ, nếu dựng mẫu lên theo bất cứ hướng nào khác cũng không thể đẹp như hướng được chọn.
Những công cụ đá được phát hiện trong cùng di chỉ khảo cổ | Mẩu hoá thạch được mài một bên, có thể dựng đứng lên (đặt trên bàn phim máy vi tính) |
Cúc đá là nhóm sinh vật chủ yếu sống trong đại Trung sinh cùng với khủng long, và cũng đã bị tuyệt diệt cùng với khủng long vào khoảng 65 triệu năm trước. Đây là nhóm hóa thạch đã được nghiên cứu và góp phần quan trọng trong việc định tuổi cho các tầng đá Trung sinh của nước ta lâu nay.
Nhiều sưu tập cúc đá đã được các nhà cổ sinh sưu tập và nghiên cứu. Nhưng bộ sưu tập do PGS Nguyễn Khắc Sử cung cấp là bộ có một không hai, cũng là một trong số những sưu tập đẹp nhất.
TẠ HÒA PHƯƠNG