Dấu tích của khu rừng rậm rạp thời cổ đại được phát hiện ngoài khơi Lithuania, có thể hé lộ nhiều thông tin về cuộc sống cuối kỷ Băng Hà.
Nước biển dâng lên ở kỷ Băng Hà nhấn chìm khu rừng cổ đại. (Ảnh: Pinterest).
Các nhà nghiên cứu Ba Lan và Lithuania đang khám phá một khu rừng 10.000 năm tuổi bị chìm dưới nước ở làng Juodkrante gần thành phố Klaipėda ven biển phía tây Lithuania. Trong chuyến khảo sát tháng trước, họ chụp hàng nghìn bức ảnh, bao gồm hơn 3.000 ảnh chụp hai thân cây lớn. Những bức ảnh sẽ được sử dụng để lập mô hình 3D của khu rừng cổ đại.
Từng là khu rừng rậm rạp, các thân cây bị ngập nước vào cuối thế Canh Tân trong kỷ Băng Hà. Thế Canh Tân bắt đầu cách đây khoảng 2,6 triệu năm và kết thúc 11.700 năm trước. Khi băng tan chảy, nước biển Baltic dâng lên, làm ngập những vùng đất rộng lớn như khu rừng này.
Trước đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học Klaipėda phát hiện khu rừng khi quét đáy biển. Họ tiến hành nghiên cứu cùng với các chuyên gia thuộc Bảo tàng hàng hải quốc gia Ba Lan ở Gdansk. Họ cho rằng khu vực có thể từng là nơi ở của con người và hy vọng tìm thấy bằng chứng về quá trình định cư của người nguyên thủy.