Bức ảnh mới nhất chứa đựng bất ngờ từ xác tàu Titanic

  •  
  • 120

RMS Titanic Inc., công ty dẫn đầu cuộc thám hiểm, đã mang về hai triệu bức ảnh về địa điểm đắm tàu và những phát hiện bất ngờ.

Trong chuyến thám hiểm đầu tiên tới tàu Titanic sau 14 năm, RMS Titanic - công ty có quyền khai thác độc quyền địa điểm đắm tàu - cho biết họ đã tìm thấy một bức tượng đồng được cho là đã mất tích vĩnh viễn, đồng thời phát hiện ra một số dấu hiệu xuống cấp của con tàu.

RMS Titanic Inc., công ty có trụ sở tại Atlanta (Mỹ), đã thu hồi hàng nghìn hiện vật từ con tàu trong nhiều thập kỷ.

Trong một thông cáo báo chí vào ngày 2/9 nói rằng họ đã bắt đầu chuyến thám hiểm vào ngày 12/7 và dành 20 ngày tại địa điểm này, gửi các phương tiện điều khiển từ xa đến con tàu. Các nhà nghiên cứu đã mang về hai triệu bức ảnh.

Nhưng lần này công ty không thu hồi bất kỳ hiện vật nào, phải thay đổi kế hoạch sau các vụ kiện từ chính quyền liên bang và chỉ trích từ các nhà khoa học cho rằng địa điểm này nên được giữ nguyên như một đài tưởng niệm các nạn nhân.

1 lan can ở phía trước mũi tàu đã bị sập.
Các nhà nghiên cứu phát hiện trong chuyến thám hiểm mới nhất rằng một lan can ở phía trước mũi tàu đã bị sập.

Phát hiện mới

Chuyến thám hiểm lần này diễn ra khoảng một năm sau thảm họa tàu ngầm Titan khiến một chuyên gia hàng hải dẫn đầu nghiên cứu cho RMS Titanic thiệt mạng.

Trong đợt thám hiểm mới nhất, máy ảnh còn chụp được bức tượng "Diana of Versailles", tượng đồng cao 0,7 m của nữ thần La Mã Diana. Bức tượng đã được nhóm thám hiểm phát hiện vào năm 1986 và hầu hết chuyên gia cho là nó đã biến mất vĩnh viễn.

 Bức tượng Diana bằng đồng được phát hiện giữa lớp trầm tích.
Bức tượng Diana bằng đồng được phát hiện giữa lớp trầm tích.

Theo thông cáo báo chí của công ty, việc tìm ra bức tượng Diana là ưu tiên hàng đầu của nhóm. Bản sao từng được đặt trên bệ lò sưởi trong phòng chờ hạng nhất của con tàu, nhưng phòng chờ đã bị xé toạc khi con tàu chìm và bức tượng lẫn vào bãi đổ nát.

Tượng Diana, nữ thần săn bắn của La Mã, được tìm thấy mắc kẹt dưới đáy đại dương với một cánh tay giơ lên khỏi mặt đất với tới mũi tên. Chiếc áo khoác bằng đồng của bà hòa lẫn trên lớp trầm tích tối màu.

Đoạn phim cho thấy một phần lan can ở mũi tàu bị sụp đổ. Mũi tàu Titanic từng xuất hiện trong phân cảnh nổi tiếng của bộ phim Titanic năm 1997, trong đó nhân vật Jack ôm Rose từ phía sau khi cô giả vờ bay. Gần đây nhất là năm 2022, hình ảnh từ một chuyến thám hiểm khác cho thấy lan can mũi tàu vẫn còn nguyên vẹn.

Tomasina Ray, giám đốc bộ phận sưu tầm tại RMS Titanic, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng nhóm nghiên cứu rất buồn trước bằng chứng về sự mục nát, "điều này càng củng cố thêm cam kết của chúng tôi trong việc bảo tồn di sản của Titanic".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hai phương tiện điều khiển từ xa để chụp ảnh và dữ liệu của địa điểm đắm tàu. Nhóm RMS Titanic hiện tập trung vào việc xử lý dữ liệu và hình ảnh để chia sẻ những phát hiện với cộng đồng khoa học.

Tranh cãi về độc quyền khai thác

Nắm giữ độc quyền cứu hộ mọi hiện vật từ xác tàu đắm trong 3 thập kỷ, RMS Titanic đã phải đối mặt với những nỗ lực từ chính quyền liên bang và các nhà khoa học nhằm cố gắng ngăn chặn việc công ty này làm xáo trộn địa điểm xác tàu và lấy đi các hiện vật tại đó.

Chuyến thám hiểm vào tháng 7 được tiến hành với mục đích nghiên cứu chứ không phải phục hồi, nhưng 7 trên 9 chuyến thám hiểm của công ty kể từ năm 1987, các nhóm đã thu hồi được khoảng 5.500 hiện vật.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, công ty đã cố gắng bán các hiện vật vào đầu những năm 2000. Một số nhà khoa học mong muốn Titanic được giữ nguyên để tưởng nhớ những sinh mạng đã mất vào năm 1912.

Titanic nằm ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển Newfoundland, Canada. Có một thỏa thuận giữa Anh và Mỹ để bảo vệ địa điểm này. Mỹ đã thông qua một đạo luật vào năm 2017 yêu cầu phải có sự chấp thuận của chính phủ để cứu hộ hoặc thay đổi địa điểm đắm tàu.

Thảm họa Titan hồi năm ngoái đã buộc RMS Titanic phải có những thay đổi.
Thảm họa Titan hồi năm ngoái đã buộc RMS Titanic phải có những thay đổi. (Ảnh: Alamy).

Vào năm 2020, Mỹ đã cố gắng kiện RMS Titanic sau khi công ty này tuyên bố sẽ tìm cách thu hồi máy điện báo không dây Marconi từ con tàu đắm, điều này đòi hỏi phải cắt vào tàu. Một thẩm phán liên bang đã phán quyết rằng công ty có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình.

Khoảng một năm trước, chính phủ Mỹ đã đệ đơn xin can thiệp và lập luận rằng RMS Titanic cần được chính phủ chấp thuận trước khi có thể tiếp cận xác tàu và các mảnh vỡ.

Sự việc xảy ra sau thảm họa tàu Titan vào tháng 6/2023, khi 5 người cố gắng đến thăm địa điểm này đã thiệt mạng khi tàu ngầm phát nổ. Giám đốc nghiên cứu dưới nước của RMS Titanic, Paul-Henri Nargeolet, nằm trong số những người thiệt mạng.

Chiếc Titan thuộc sở hữu của một công ty khác, nhưng thảm kịch này đã làm dấy lên câu hỏi về các cuộc thám hiểm tìm kiếm xác tàu đắm.

Trước vụ nổ, RMS Titanic đã nói với tòa án rằng họ sẽ thu hồi máy điện báo mà không cần sự chấp thuận của liên bang. Nhưng trong hồ sơ nộp lên tòa án vào tháng 10/2023, họ cho biết sẽ dừng nhiệm vụ thu hồi sắp tới, "vì tôn trọng Nargeolet và gia đình ông, cũng như 4 người khác đã thiệt mạng gần đây tại địa điểm này".

Vẫn chưa chắc chắn liệu công ty có tiếp tục khai thác các hiện vật từ địa điểm này trong tương lai hay không. Một phát ngôn viên của công ty cho biết trong email gửi cho The New York Times vào hôm 2/9 rằng hiện tại họ không có bất kỳ kế hoạch nào.

Tuyên bố cho biết: "Công ty đang xem xét dữ liệu từ chuyến thám hiểm này để thiết lập các bước tiếp theo".

Luật sư Mỹ tại Quận phía Đông Virginia cho biết vụ kiện chống lại công ty vẫn đang được tiến hành. Các nhà điều tra liên bang vẫn đang xem xét vụ nổ của tàu Titan và nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Gia đình ông Nargeolet đã đệ đơn kiện OceanGate Expeditions, nhà sản xuất Titan.

Cập nhật: 06/09/2024 Znews
  • 120