Bức tường chắn sóng 119 tỷ USD có bảo vệ được New York?

  •  
  • 1.319

Bức tường chắn sóng dài 9,6km sẽ bảo vệ New York khỏi nước lũ trong các trận siêu bão, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó lỗi thời vì nước biển dâng cao và đe dọa môi trường.

Cơn bão đang tiến về New York đẩy nước biển dâng cao tràn vào khu vực dân cư như trong trận siêu bão Sandy. Đó là một viễn cảnh mà các nhà hoạch định hy vọng có thể ngăn chặn bằng hòn đảo nhân tạo với những cánh cổng - có thể khép lại - từ Rockaways ở Queens đến một dải đất ở New Jersey phía nam đảo Staten, New York Times cho biết.

Cánh cổng đóng lại có thể tạo nên bức tường dài 9,6 km, giúp bảo vệ người dân và tài sản bên trong. Rào chắn khổng lồ là lựa chọn số 1 trong 5 giải pháp mà công binh lục quân Mỹ đang nghiên cứu để bảo vệ New York, khi những cơn bão trở nên thường xuyên và có sức tàn phá mạnh hơn do sự ấm lên của Trái Đất.

Các đề xuất đã làm dấy lên sự tranh luân gay gắt, khi New York cũng như các thành phố ven biển khác đang vật lộn với câu hỏi hóc búa trong việc biến đổi cảnh quan và lối sống để sống sót khi nước biển dâng cao.

Những người ủng hộ rào chắn nói rằng đây là giải pháp tốt nhất để bảo vệ phần lớn mọi người, tài sản và địa danh, bao gồm Tượng Nữ thần Tự do khỏi cơn bão quét qua sông Đông và sông Hudson, trong khi không cắt đứt thành phố khỏi bờ sông.

Catherine McVay Hughes, người lãnh đạo hội đồng cộng đồng ở Lower Manhattan trong trận siêu bão Sandy, ủng hộ hàng rào bên ngoài cảng New York.

“Các biện pháp bảo vệ chỉ nên được xây dựng trên bờ biển, nhưng đủ cao để tránh được trận lũ lớn nhất. Bạn có muốn một bức tường cao từ 6-9 m ngăn giữa công viên Battery và dòng sông không?”, bà nói.

Những người ủng hộ như bà McVay Hughes bị thu hút trước viễn cảnh về một rào chắn khổng lồ sẽ bảo vệ phần lớn New York trước sóng biển dâng cao. Họ cũng nói rằng việc áp dụng các giải pháp trên bờ như đắp đê, phục hồi các khu vực đất ngập nước, có thể đem lại lợi ích cho các khu vực giàu có trước tiên, chứ không phải là các cộng đồng thu nhập thấp chịu thiệt hại nặng nhất trong siêu bão Sandy năm 2012.

Chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt

Bất chấp những viễn cảnh tốt đẹp mà bức tường chắn mang lại, các chuyên gia về môi trường lại cho rằng đó là một giải pháp chắp vá, chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, mà không phải là giải pháp tối ưu mang tính lâu dài để đối phó với mối đe dọa lớn lớn hơn là biến đổi khí hậu. Nó thậm chí còn làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Dự án tường chắn sóng khổng lồ của Nga để bảo vệ thành phố St. Petersburg khỏi ngập lụt.
Dự án tường chắn sóng khổng lồ của Nga để bảo vệ thành phố St. Petersburg khỏi ngập lụt. (Ảnh: TASS).

Thiết kế rào chắn của công binh lục quân Mỹ chỉ giải quyết được vấn đề sóng biển trong các cơn bão. Nó sẽ không đối phó được với 2 mối đe dọa lớn liên quan đến biến đổi khí hậu đó là nước biển dâng, triều cường và có thể thành hồ chứa nước thải, đe dọa hệ sinh thái non trẻ ở khu vực New York.

Công binh Mỹ ước tính bức tường trị giá khoảng 119 tỷ USD. Người ta không rõ liệu thành phố New York, bang New York, New Jersey và Quốc hội Mỹ có đồng ý tài trợ cho dự án sẽ mất 25 năm để xây dựng hay không.

Ngay cả khi việc xây dựng được phê duyệt, những người phản đối nói rằng tường chắn có thể bị lỗi thời nhiều thập kỷ, ngay khi nó đang ở giai đoạn xây dựng. Họ cho rằng ước tính về nước biển dâng trong tương lai của công binh lục quân Mỹ là quá thấp.

“Rào chắn biển này sẽ không thể bảo vệ các cộng đồng dân cư khỏi lũ lụt do nước biển dâng cao. Một khi nó được xây dựng sẽ là rủi ro lớn và chúng ta sẽ không thu hồi được tiền”, Scott M. Stringer, một nhạc sĩ ở New York, đã viết trong bức thư phản đối kế hoạch.

Rủi ro cho môi trường quá lớn

Clifford S. Jones III, giám đốc kế hoạch của New York, cho biết nếu có một giải pháp sinh thái và hiệu quả về mặt kinh tế có thể bảo vệ New York và New Jersey, người ta nên thúc đẩy nó.

Tuy nhiên, việc xây dựng bức tường chắn ở cửa biển New York sẽ gây ra vấn đề lớn về môi trường. Khi trời mưa, hệ thống nước thải của New York có thể đẩy chất thải vào đường thủy. Một tường chắn lớn có thể gây tích tụ bùn gần bờ.


Dự án Thames Barrier ở London tuy giúp kiềm chế được lũ lụt, nhưng gây thiệt hại lớn cho môi trường sinh thái. (Ảnh: Bloomberg).

“Về cơ bản, chúng ta đang ngồi trong bồn tắm với phân của chính mình”, Kimberly Ong, luật sư cao cấp tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói. Những người bảo vệ môi trường nói rằng bất kỳ rào chắn nào ngay cả khi mở cửa vào những ngày không có bão, sẽ thay đổi dòng chảy, trầm tích và độ mặn tự nhiên ở sông Hudson, ảnh hưởng đến việc di cư và nuôi dưỡng sinh vật biển.

Cuộc tranh luận về tường chắn sóng diễn ra trong bối cảnh thành phố New York đang vật lộn để đối phó với những trận siêu bão như Sandy và nhu cầu lớn hơn là phải định hình lại cơ sở hạ tầng toàn khu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong hơn 7 năm qua, kể từ khi trận bão khiến 72 người chết và gây thiệt hại 62 tỷ USD, các cơ quan thành phố đã chi 54% trong số 14,7 tỷ USD được chính phủ liên bang phân bổ, giúp thành phố phục hồi và chuẩn bị cho những cơn bão mới.

Tuy nhiên, không ai chắc chắn liệu các giải pháp kỹ thuật đầy tham vọng và tốn kém sẽ có hiệu quả về lâu dài và tác động tiêu cực của chúng là gì. Trên thế giới đã có những dự án tương tự và đã cho thấy rõ tính hai mặt của nó.


Tổ hợp ngăn nước biển dâng cao ở phía tây Vịnh Intracoastal ở New Orleans. (Ảnh: New York Times).

Một cấu trúc cửa xoay dài 8 km được xây dựng sau trận bão chết người ở Hà Lan năm 1950 đã có tác dụng kiềm chế lũ lụt, nhưng nó gây ra thiệt hại lớn cho môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái cửa sông và đầm lầy xung quanh. Dự án Thames Barrier ở London cũng có kết quả tương tự.

Nga đã xây dựng một tường chắn biển dài gần 24 km, hoàn thành vào năm 2010. Nó đã bảo vệ thành phố St. Petersburg khỏi một trận bão mạnh vào một năm sau đó.

Thành phố Boston gần đây đã nghiên cứu dự án rào chắn tương tự ở New York, nhưng sau đó hội đồng thành phố đã từ chối phê duyệt mà ủng hộ các giải pháp trên bờ, như tường chắn lũ có thể thu vào, ruộng bậc thang.

Cuộc tranh luận về dự án tường chắn sóng khổng lồ ở New York là một bằng chứng cho thấy sự phức tạp mà con người đang đối mặt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỗi giải pháp đều có mặt lợi và hại của nó.

Những người ủng hộ nói rằng giải pháp bảo vệ theo từng khu vực là hợp lý nhất, trong khi những người phản đối cho rằng nó chỉ đem lại lợi ích cho những cộng đồng giàu có.

Paul Gallay, người đứng đầu nhóm vận động bảo vệ sông Hudson nói: “Tường chắn là vật thể sáng bóng, một viên đạn bạc thu hút chúng ta khỏi nơi cần đến. Sự nguy hiểm của một bức tường lớn là nếu nó thất bại, tất cả chúng ta đều gặp nguy hiểm. Chúng tôi cần những giải pháp kiểu xếp lớp để không phụ thuộc vào một dự án cụ thể nào”.

Ban quản lý dự án đã nhận được hàng nghìn ý kiến phản đối từ nhiều khí cạnh khác nhau của đề xuất và hứa sẽ tổ chức nhiều phiên điều trần hơn. Họ cam kết bất kỳ dự án nào đều phải trải qua đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt, trước khi được trình cho Quốc hội không sớm hơn năm 2022.

Cập nhật: 20/01/2020 Theo Zing
  • 1.319