Bụi đỏ nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào?

  •  
  • 101

Bụi đỏ có thành phần bụi đất, nó không chỉ là loại bụi xây dựng mà còn nằm trong nhóm các tác nhân gây ô nhiễm không khí.

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết người dân sống trong môi trường quá nhiều bụi sẽ mắc nhiều bệnh đường hô hấp. Bụi đi vào phổi gây ra bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng và viêm xoang.

Sau đó, nó đi xuống phổi làm tổn thương phổi, tình trạng này sẽ tái đi tái lại, nếu người dân phải sống trong môi trường nhiễm bụi thời gian dài.

"Trong thành phần của bụi không chỉ có đất, còn có các loại hoá chất và kim loại, nó ảnh hưởng lâu dài đến người dân, nếu phải sống trong môi trường nhiều bụi liên tục", bác sĩ Hoàng cho biết.

Bụi đỏ ở công trường sân bay Long Thành (Đồng Nai) theo gió bay mù mịt.
Bụi đỏ ở công trường sân bay Long Thành (Đồng Nai) theo gió bay mù mịt. (Ảnh: Chí Hùng).

Với những người đang có nền bệnh sẵn như viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... tình trạng sẽ càng tệ.

Nếu phải sống trong môi trường bụi mù mịt thời gian lâu, người có các bệnh trên sẽ không kiểm soát tốt tình trạng bệnh, dẫn đến bệnh ngày càng diễn tiến nặng.

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), nhấn mạnh khi tiếp xúc trực tiếp với da, mũi hay mắt, bụi đỏ sẽ gây viêm, nhiễm trùng da, mô mềm, gây viêm kết mạc mắt hoặc viêm mũi xoang, đặc biệt là ở người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng.

Trong loại bụi này còn có các thành phần không hòa tan được như amiang, silic hay bụi than. Khi xâm nhập vào đường thở, chúng sẽ lắng đọng và gây ra tình trạng viêm cấp tính, về lâu dài có thể dẫn tới viêm mạn tính, xơ hóa đường thở.

Với hình dáng và kích thước nhỏ, bụi đỏ dễ dàng lọt vào đường hô hấp, đi đến nhu mô phổi gây xơ hoá hoặc xây xát đường thở.

Ở trẻ em, hệ nhung mao, lông mũi, tuyến tiết nhầy chưa hoàn thiện, khi bụi xâm nhập vào sâu sẽ gây viêm nặng hơn.

"Bụi đỏ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người dân, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô, ít mưa, độ ẩm thấp và nhiều gió", bác sĩ Công nói.

Khó lọc sạch được hạt bụi mịn

Khẩu trang thông thường chỉ ngăn được hạt bụi lớn, một số hạt bụi mịn vẫn lọt qua và đi vào phổi, gây ra ho, có đàm, ảnh hưởng nhiều đến đường hô hấp.

"Cách xử lý tối ưu là người dân rời khỏi nơi có nhiều bụi đỏ, hoặc sử dụng máy lọc không khí", bác sĩ Hoàng nhận định.

Trước những tác hại nguy hiểm của bụi đỏ lên sức khoẻ, bác sĩ Nguyễn Hải Công khuyến cáo người dân nên tắm bằng nước ấm để làm sạch bề mặt da niêm mạc sau khi đi ở ngoài về. Đồng thời, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý và thường xuyên rửa mũi, xịt mũi để làm sạch đường thở.

Trước khi ra đường, mọi người nên lưu ý hạn chế tiếp xúc với bụi bằng cách che chắn cẩn thận như đeo khẩu trang, đeo kính, mặc áo khoác hay quần áo dài tay.

Cập nhật: 22/03/2024 Znews
  • 101