Buồm cho tàu vận tải

  •  
  • 538

Vận chuyển hàng trên tàu vận tải biển được coi là có chi phí hợp lý. Tuy nhiên, với khoảng 45.000 chiếc tàu vận tải trên toàn thế giới sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch cấp thấp, lượng ô nhiễm do chúng thải ra tương đương hàng triệu chiếc xe hơi.

Với mục đích giúp giảm sự ô nhiễm môi trường nhưng vẫn giữ được giá cước vận chuyển hợp lý, các kỹ sư tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã nghiên cứu thiết kế hệ thống buồm hỗ trợ cho động cơ của các tàu vận tải. Cánh buồm kích cỡ 20 x 50m dạng này sẽ giúp giảm bớt 30% việc tiêu thụ nhiên liệu cho các con tàu.

Buồm cho tàu vận tải

Giáo sư Kiyoshi Uzawa nhận định, công nghệ tiến bộ như ngày nay có thể tạo các cánh buồm lớn và vận hành chúng một cách tự động. Bên cạnh đó, mạng thông tin hàng hải và dự báo thời tiết giúp những con tàu dạng này vận hành an toàn dù chúng sử dụng phong năng như những chiếc tàu xưa cũ. Mỗi cột buồm gồm 5 cánh được làm bằng hợp kim nhôm bền, nhẹ cùng với sự gia cường của sợi chất dẻo. Mặt cắt ngang nhìn tương tự như cánh máy bay, những cánh buồm có thể đặt ở các vị trí độc lập với nhau nhờ vậy tối đa hóa lực đẩy. Khi cần thả neo hoặc vào vùng thời tiết xấu thì những cánh buồm được các động cơ xếp lại theo chiều thẳng đứng.

Buồm cho tàu vận tải

Buồm cho tàu vận tải

Giáo sư Uzawa cho biết những nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành, dự án sẽ tiến hành xây dựng nguyên mẫu tàu vận tải dạng này ở quy mô nhỏ để chứng minh tính hiệu quả trong vài năm tới. Theo kế hoạch thì bản mô phỏng trên máy tính và thử nghiệm mô hình trong đường hầm gió có thể bắt đầu vào năm 2016 và những con tàu thật sẽ ra đời trong khoảng 5-10 năm sau.

Theo Gizmag, do tính chất khác nhau của các loại tàu chở hàng nên công nghệ tên phù hợp với các tàu vận tải thấp, chở các loại vật liệu số lượng lớn như ngũ cốc, quặng, dầu... hơn là những container biển xếp cao trên bong.

Theo Thanh Niên, Gizmag
  • 538