Sau tiếng rầm, hàng nghìn khối đất đá từ núi Ka Lăng đổ ập xuống khiến hàng trăm dân làng Gò Rin (Quảng Ngãi) chạy tán loạn. Bốn người bị vùi trong đất đá, một bé gái đã chết.
>>> Bình Định: thêm 2 người chết do lũ
>>> Trung Bộ dập vùi trong mưa lũ
Hai ngày sau vụ lở núi, không khí tang thương vẫn bao trùm làng Gò Rin, xã Sơn Thành (Sơn Hà, Quảng Ngãi). Nhìn từ đằng xa, vết tích trận sạt lở kinh hoàng vẫn còn in hằn vết lõm sâu, trống hoác trên sườn núi.
Mẹ của bé gái bị nạn, chị Đinh Thị Mua, thẫn thờ bới tìm trên đống gạch ngói vỡ vụn. “Mới hôm qua con còn cười đùa với má, xin được qua chơi, xem tivi cùng với cu Ngọc (con anh Yên hàng xóm), vậy mà giờ đây con chết thế sao. Con gái tôi mới 10 tuổi đầu, giờ tôi biết sống sao đây”, người mẹ gào khóc thảm thiết.
>>> Cả làng tan hoang vì núi lở
Làng Gò Rin nằm lọt sâu trong hẻm núi, có khoảng 40 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Núi sạt lở, bùn đất đỏ chảy ngập ngụa nhà dân, phủ khắp ngõ ngách lối đi trong làng. Nhà chị Mua bị sập, đè chết cô bé Đinh Thị Tâm.
Nhìn đăm đăm về phía núi lở, già làng Đinh Văn Đoàn (76 tuổi) đau xót: “Đời con Mua vốn đã nghèo, lại góa bụa khi 20 tuổi, một mình chăm sóc bé Tâm nhỏ dại. Cần mẫn làm thuê, cuốc rẫy nuôi con, đến nay cháu Tâm được 10 tuổi, học đến lớp 4 thì bị nạn, thật đau lòng. Sống ở cái làng này mấy chục năm rồi, chưa bao giờ tôi thấy núi rừng lại giận dữ đổ xuống gây cảnh đau thương như vậy”.
Nhà của anh Đinh Văn Yên, hàng xóm chị Mua, cũng bị núi lở đè sập, làm anh bị thương. Sáng nay, anh Yên từ Trung tâm y tế huyện Sơn Hà trở về làng dọn dẹp gạch ngói vỡ trên nền nhà sập.
Anh kể: “Đêm hôm ấy, gia đình tôi đang bày mâm cúng mừng mùa lúa mới theo tục lệ của làng. Bé Tâm cũng sang chơi. Cúng vừa xong, tôi bưng mâm xuống bếp định chặt gà cho cả nhà và bé Tâm cùng ăn thì bỗng dưng núi rống lên, rồi thấy bức vách sau nhà nứt ra, lay chuyển mạnh".
Linh tính chẳng lành, anh Yên vội quẳng mâm, túm lấy hai đứa nhỏ là cu Ngọc và bé Tâm chạy vội ra cửa. Thế nhưng đất đá từ trên núi đổ xuống, chôn vùi ngôi nhà cùng 4 người trong đó. Bé Tâm bị máng nước trước nhà sập trúng đầu chết tại chỗ, 3 người còn lại bị thương được dân làng đưa đi cấp cứu.
Ngồi ôm con trai Đinh Văn Ngọc (5 tuổi) thất thần trên đống đổ nát, anh Yên vẫn chưa dám tin vợ chồng và con trai anh thoát chết. Hiện tại, chị Đinh Thị Minh (vợ anh Yên) vẫn còn điều trị tại Trung tâm y tế huyện Sơn Hà do chấn thương nặng xương bả vai.
Vụ sạt lở núi đêm 16/11 đã gây sập hoàn toàn 3 ngôi nhà kiên cố ở làng Gò Rin, nguy cơ sẽ sạt tiếp, uy hiếp tính mạng hàng trăm dân làng. Anh Đinh Văn Lá cho biết, do mưa lớn kéo dài, trên núi Ka Lăng mới xuất hiện thêm vệt nứt dài khoảng 300 mét, rộng hơn 0,5 mét. Hiện nhiều nhà dân phía dưới chân núi không dám ở đây.
Sau khi đến thăm hỏi, đồng thời hỗ trợ lương thực, lều bạt để người dân dựng tạm nhà, ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết huyện đang tính toán phương án di dời các hộ dân nơi đây đến nơi an toàn.
Chiều nay, ông Tô Cước, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, sau hai ngày đêm bị cô lập do sạt lở núi gây tắc đường, tuyến đường về huyện Sơn Tây đã được khai thông tạm thời, thoát tình cảnh cô lập.
Mưa lớn trong nhiều ngày qua làm sạt lở núi với hàng nghìn mét khối đất đá, gây ách tắc giao thông nhiều đường về các xã Sơn Long, Sơn Mùa, Sơn Liên, Sơn Màu, Sơn Lập, Sơn Tinh (Quảng Ngãi). Riêng tuyến Đông Trường Sơn đi qua Sơn Tây đang trong giai đoạn thi công bị sạt lở nghiêm trọng tại nhiều điểm. Núi lở cũng làm sập hoàn toàn 2 ngôi nhà, uy hiếp vùi lấp 6 ngôi nhà dân ở Tập đoàn 18, xã Sơn Long. Rất may trước đó xã đã di dời 6 hộ dân với 30 khẩu đến nơi an toàn nên không gây thiệt hại về người.
Trong khi đó, huyện miền núi Tây Trà vẫn bị cô lập hoàn toàn. Hiện tại, huyện này còn hơn 100 hộ dân với trên 500 nhân khẩu nằm trong khu vực 12 điểm có nguy cơ sạt lở cao, nhưng chưa có khu tái định cư. Chính quyền địa phương đang chuẩn bị các phương án di dời, yêu cầu người dân cảnh giác chủ động ứng phó với mưa lũ bất ngờ, không nên quay về nhà cũ khi chưa an toàn. òa
Ngày hôm nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to, đặc biệt là tại các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ… Hầu hết tuyến tỉnh lộ ĐT 629 từ Bồng Sơn đi An Lão qua các xã Ân Hảo Đông, Ân Mỹ vẫn ngập trong nước lũ không thể đi lại được. Tuyến đường ĐT 630 từ Bồng Sơn đi Hoài Ân cũng ngập trong nước từ gần 1m gây ách tắc giao thông nhiều đoạn.
Tuyến tỉnh lộ 640 từ Tuy Phước đi Phù Cát và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn khu đông 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát, tiếp tục bị lũ chia cắt nhiều đoạn. Các xã ven đê khu đông phía đông nam huyện Phù Cát và phía đông huyện Tuy Phước chìm trong lũ từ 0,5m đến một m.
Hai ngày nay, nhiều trường ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục cho học sinh đồng loạt nghỉ học.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, 147 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có dung tích thiết kế hơn 125 triệu m3 đến chiều 18/11 đã tích được hơn 121 triệu khối. Từ chiều qua, hồ Định Bình và Núi Một bắt đầu xả.
Hiện tỉnh Bình Định đã có 4 người chết và mất tích trong đợt lũ mới này.
Trong khi đó, tại Quảng Nam nước lũ đã rút trên các sông, xuống dưới mức báo động 2. Tính đến chiều nay tỉnh này đã có 8 người chết, 3 người bị thương.
Cả làng tan hoang vì núi lở
Điểm sạt lở núi gây sập hoàn toàn ba ngôi nhà, làm một người chết, 3 người bị thương, uy hiếp hàng trăm dân làng ở thôn Gò Rin, xã Sơn Thành, huyện miền núi Sơn Hà.
Anh Đinh Văn Yên ôm con trai thẫn thờ trên ngôi nhà đổ nát.
Đất, đá vùi lấp nhà dân.
Bà con phải dựng lều tạm để ở.
Sạt lở núi trên tuyến tỉnh lộ 623 thuộc xã Sơn Tân, huyện miền núi Sơn Tây, cô lập hoàn toàn huyện này từ hai ngày qua. Hiện tuyến đường này mới được khắc phục tạm thời.