Cá sư tử xâm hại phá hủy vùng ven biển Brazil

  •  
  • 171

Với bản tính phàm ăn và khả năng thích nghi cao, cá sư tử đang trở thành thảm họa sinh thái tiềm ẩn đối với vùng ven biển Brazil.

Một vị khách không mời xuất hiện ở vùng biển nhiệt đới của Brazil, đó là cá sư tử đỏ Thái Bình Dương (Pterois volitans). Nổi tiếng với hình dáng đặc biệt và bản tính phàm ăn, cá sư tử được phát hiện lần đầu tiên ngoài khơi Florida năm 1985 và lan rộng qua Caribe, tiêu diệt số lượng lớn cá rạn san hô. Hiện nay, cá sư tử đã vượt qua chướng ngại vật là khối nước sông Amazon-Orinoco đổ vào Đại Tây Dương từ đông bắc Brazil. Khối nước ngọt khổng lồ này từ lâu đóng vai trò như rào cản ngăn cách các loài cá Caribe với cá sống ở phía nam vùng ven biển Brazil.

Cá sư tử đỏ Thái Bình Dương
Cá sư tử đỏ Thái Bình Dương có hình dáng đặc trưng. (Ảnh: NOAA).

Các nhà khoa học và nhà quản lý môi trường đều cho rằng cá sư tử xâm hại ở Brazil là một thảm họa sinh thái tiềm ẩn. Việc giảm thiểu thiệt hại đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết tác hại sinh thái, xã hội và kinh tế mà loài cá ăn thịt này đem lại, Phys.org hôm 2/6 đưa tin.

Là động vật bản xứ ở vùng biển ấm Ấn Độ - Thái Bình Dương, cá sư tử dài 30 - 38 cm, có những sọc đỏ - trắng và vây dài. Chúng tự vệ bằng gai ngực truyền nọc độc gây đau đớn. Nhà chức trách phát hiện cá sư tử ở ngoài khơi bãi biển Dania, Florida vào năm 1985, có thể do một người nuôi cá nhiệt đới thả ra. Từ sau đó, chúng phân bố rộng khắp biển Caribe, vịnh Mexico và hướng về phía bắc, tới Bermuda và North Carolina. Đây là một trong những cuộc xâm lấn ở biển thành công nhất trong lịch sử.

Cá sư tử có thể trở thành món ăn an toàn nếu loại bỏ hết gai độc. Ở Florida và Caribe, những cuộc thi săn cá sư tử trở nên phổ biến như một biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên, cá sư tử chuyển tới vùng nước sâu hơn khi trưởng thành, vì vậy chỉ riêng hoạt động săn bắt không thể ngăn chặn chúng lan rộng.

Các nhà khoa học hải dương dự đoán trong vài năm, cá sư tử sẽ tiến đến ven biển phía đông Nam Mỹ. Hồi tháng 12/2020, ngư dân địa phương bắt được đôi cá sư tử ở rạn san hô ở độ sâu vài trăm mét bên dưới cột nước sông Amazon. Một thợ lặn cũng bắt gặp cá sư tử ở quần đảo Fernando de Noronha, cách vùng biển nhiệt đới của Brazil khoảng 350km.

Những cuộc xâm lấn mới nhanh chóng được ghi nhận dọc bờ biển phía bắc và đông bắc Brazil, tập trung ở 8 bang với môi trường biển đa dạng. Nhà chức trách đếm được hơn 350 con cá sư tử dọc đường bờ biển dài 2.765km. Giống như nhiều loài du nhập, cá sư tử ở Đại Tây Dương không phải đối mặt với cơ chế kiểm soát số lượng tự nhiên như động vật săn mồi, bệnh dịch và ký sinh trùng vốn kìm hãm quần thể ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy cá sư tử ở rạn đá tại Bahamas lớn và dồi dào hơn đồng loại ở Thái Bình Dương.

Cá sư tử phát triển mạnh ở nhiều môi trường biển, từ rừng đước tới thảm tảo biển, rạn đá sâu và xác tàu đắm. Chúng là những kẻ săn mồi hung dữ, bám dai và chuyên ăn cá nhỏ, bao gồm những loài giúp vệ sinh rạn san hô và có giá trị thương mại như cá hồng và cá mú. Trong nghiên cứu công bố năm 2008, khi cá sư tử xuất hiện ở rạn đá tại Bahamas, quần thể cá nhỏ giảm 80% trong vòng 5 tuần.

Vùng ven biển đông bắc Brazil đang đối mặt với nguy cơ xâm hại này. Cá sư tử xuất hiện ở rừng đước và cửa sông, những khu vực đóng vai trò vườn ươm cho nhiều loài cá thương mại quan trọng. Sự biến mất của chúng sẽ làm tăng nguy cơ đói kém trong vùng. Các ngư dân cũng có khả năng bị cá sư tử chích, gây ra vết thương đau đớn.

Can thiệp sinh học là cách kiểm soát cá sư tử dễ dàng nhất ở giai đoạn đầu, khi quần thể đang phát triển chậm rãi. Tuy nhiên, chính quyền Brazil phản ứng rất chậm chạp đối với nguy cơ từ cá sư tử. Vùng biển phía tây nam Đại Tây Dương gần xích đạo ít được khảo sát hơn Caribe, hầu như không có bản đồ đáy biển độ phân giải cao để giới khoa học xác định môi trường sống tiềm ẩn và dự đoán nơi cá sư tử có thể lan tới hoặc nơi chúng phân bố tập trung. Việc xác định quy mô xâm hại chủ yếu dựa trên ước tính.

Hơn nữa, nước đục dọc bờ biển Brazil khiến các nhà khoa học khó theo dõi và ghi chép quá trình xâm hại. Dù có hình dáng đặc trưng, cá sư tử rất khó phát hiện và ghi hình trong nước đục, dẫn tới thách thức lớn với những nhà nghiên cứu, thợ lặn và ngư dân trong việc giám sát chính xác mức độ lan rộng của chúng.

Cập nhật: 06/06/2023 VnExpress
  • 171