Cá ướp lạnh đông cứng hồi sinh sau hai giây thả vào chậu nước

  •   52
  • 2.383

Cá ngừ quẫy mạnh đuôi trong chậu sau khi rã đông dưới vòi nước ấm nhờ phương pháp bảo quản cá tươi sống được sử dụng phổ biến ở Nhật.

Video quay ở một khu chợ tại Nhật và đăng trên trang Facebook Pro Fishing hôm 28/11 ghi hình người đàn ông đặt con cá vào thùng đá vụn, theo Long Room. Camera hướng về góc bên phải và quay cận cảnh nhiệt kế cho biết nhiệt độ bên trong thùng đá là -2,1 độ C.

Con cá sau đó được lấy ra khỏi thùng và đặt vào chậu nhựa chứa nước ấm, nơi nó nằm bất động trong khoảng hai giây. Người đàn ông chạm nhẹ vào đuôi con cá, cố gắng xoay cơ thể nó tới dưới vòi nước ấm. Con cá bắt đầu quẫy mạnh đuôi và giẫy giụa khiến nước bắn tung tóe.

Theo chuyên gia ở Thủy cung hải dương quốc gia tại Plymouth, Anh, con cá trong video nhiều khả năng thuộc họ cá ngừ. Chắc chắn nó không bị đông cứng hoàn toàn mà chỉ phủ đá vụn ở nhiệt độ -2,1 độ C trong thời gian ngắn. Loài cá có thể sống sót ở ngưỡng lạnh cứng như thế này bởi trong cơ thể chúng có protein chống đông.

Video đăng trên trang Pro Fishing thu hút gần 55.000 lượt xem từ khi đăng tải. Một số người xem cho rằng video là sản phẩm dàn dựng hoặc hành vi đối xử tàn ác với động vật. Nhưng trên thực tế, đây là phương pháp bảo quản cá tươi sống khá phổ biến ở Nhật.

Con cá chỉ bị đông cứng ở mức đủ để làm chậm nhịp tim của nó nhưng không giết chết nó. Cách này giúp thịt cá tươi ngon và mềm mại để sử dụng trong các món ăn Nhật như shashimi. Cá nước lạnh chuyên sống ở những vùng biển lạnh giá có chất chống đông trong máu để giúp cơ thể chịu đựng nhiệt độ đóng băng, đặc điểm thường gặp ở cá Nam cực, theo nghiên cứu công bố năm 2004 của Đại học Queen, Canada. Nước biển đóng băng ở -22 độ C do chứa muối, gọi là sự suy giảm điểm đóng băng.

Cá cũng là động vật máu lạnh, do đó tốc độ trao đổi chất trong cơ thể chúng có thể chậm lại tới mức hầu như không thể phát hiện. Do cá tương đối nhỏ, chúng có thể làm ấm dần cơ thể ở tốc độ nhanh hơn các loài khác, giống như con cá trong video. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh phương pháp bảo quản này có thể gây áp lực cho con cá. Đông cứng và rã đông nhiều lần sẽ giết chết nó.

Hồi tháng 1/2016, các nhà nghiên cứu Nhật Bản hồi sinh một con gấu nước đông cứng 30 năm. Con vật thậm chí đẻ 19 quả trứng và 14 quả trong số đó đã nở thành công.

Cập nhật: 02/12/2018 Theo VnExpress
  • 52
  • 2.383