Các con sông đang nhiễm đầy kháng sinh

  •  
  • 630

Nghiên cứu cấp độ toàn cầu phát hiện tồn dư kháng sinh trong 2/3 mẫu nước tại 72 quốc gia. Điều này có nghĩa là hàng trăm con sông khắp thế giới có nồng độ kháng sinh rất cao.

Nhiều con sông lớn và nổi tiếng của thế giới, như sông Thames của Anh, hiện bị "nhiễm" kháng sinh với nồng độ cao quá mức quy định, trở thành môi trường hoàn hảo để nhiều loại vi khuẩn thích nghi với môi trường kháng sinh và trở nên kháng thuốc.

Đáng lo ngại hơn là những loại kháng sinh tìm thấy trong các con sông này đều là những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong vùng và đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.

Cụ thể, các mẫu thử từ sông Danube ở Áo - con sông lớn thứ hai của châu Âu, chứa đến 7 loại kháng sinh, trong đó có thuốc clarithromycin - thường dùng để chữa bệnh viêm phổi và bệnh liên quan đến phế cầu khuẩn. Nồng độ kháng sinh trong nước sông này cao gấp 4 lần mức an toàn.

Sông Thames của Anh cũng bị ô nhiễm khi nồng độ kháng sinh tại đây cao hơn mức an toàn
Sông Thames của Anh cũng bị ô nhiễm khi nồng độ kháng sinh tại đây cao hơn mức an toàn - (Ảnh: AFP).

Sông Thames - được xem là một trong những con sông sạch nhất châu Âu, cũng bị nhiễm 5 loại kháng sinh. Một mẫu thử trên sông Thames và 3 mẫu thử trên các nhánh của con sông này có mức ô nhiễm vượt ngưỡng an toàn.

Như vậy, khi những loại vi khuẩn biến đổi để kháng thuốc kháng sinh, việc điều trị bệnh sắp tới sẽ đầy thách thức và vô cùng khó khăn.

"Điều này khá đáng sợ và căng thẳng. Chúng ta có nhiều vùng môi trường có nồng độ thuốc kháng sinh cao đến mức có thể ảnh hưởng đến khả năng kháng thuốc", ông Alistar Boxall - nhà khoa học nghiên cứu về môi trường của trường Đại học York (Anh) và là đồng tác giả nghiên cứu - khẳng định.

Tháng trước, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã cảnh báo về sự gia tăng những loại vi khuẩn đã đề kháng được với các loại kháng sinh, khẳng định rằng đây là một tình huống y tế khẩn cấp, có thể tước đi mạng sống của đến 10 triệu người trên toàn thế giới tính đến năm 2050.

Nguyên nhân chính của việc này là hoạt động xả thải không đúng cách của con người. Theo đó, bên cạnh việc xử lý chất thải sinh hoạt không đúng, các nhà máy sản xuất thuốc vẫn chưa áp dụng cách xử lý chất thải triệt để.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu thử của 711 con sông ở 72 nước khác nhau và tìm thấy kháng sinh trong 65% số mẫu thử. Trong đó có đến 111 mẫu thử chứa nồng độ thuốc cao hơn mức được cho là an toàn. Thậm chí có mẫu thử cho thấy nồng độ cao gấp 300 lần mức an toàn.

Những nước có mức sống thấp như một số nước châu Phi và châu Á có nồng độ thuốc trong nước sông cao so với các nước khác. Bangladesh có nồng độ cao nhất, gấp 300 lần mức an toàn. Nguyên nhân là do thiếu công nghệ xử lý chất thải đúng cách nên người ta đã đổ thẳng chất thải xuống sông ngòi.

"Cải thiện việc quản lý độ an toàn của dịch vụ y tế và vệ sinh tại các quốc gia có thu nhập thấp là trọng yếu trong việc chống lại hiện tượng kháng thuốc kháng sinh", bà Helen Hamilton - nhà phân tích sức khỏe và vệ sinh tại tổ chức từ thiện của Anh Water Aid, khẳng định.

Nhóm nghiên cứu dự kiến tìm hiểu về tác động lên môi trường, động vật hoang dã và sinh vật biển của tình trạng ô nhiễm thuốc ở các sông ngòi. Cụ thể ở Kenya, vấn đề ô nhiễm môi trường nước trở nên nghiêm trọng đến mức không còn con cá nào sông ở khu vực này nữa.

Nghiên cứu được công bố vào ngày 27/5 tại hội nghị ở thành phố Helsinki, Phần Lan.

Cập nhật: 30/05/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 630