Các kiểu kết hợp thuốc cực kỳ nguy hiểm!

Những loại thuốc tuyệt đối không được dùng chung
  •   52
  • 3.184

Dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ - điều này thì ai cũng biết. Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều người thường tự đoán bệnh, tự mua thuốc dùng mà không cần biết có những loại thuốc dùng kết hợp cùng lúc với nhau sẽ gây những phản ứng cực kỳ nguy hiểm cho cơ thể.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, có gần 1/4 người trong độ tuổi từ 30 - 65 có thể phải sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc để trị bệnh. Việc sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc là cần thiết khi mà người bệnh mắc nhiều loại bệnh, nhưng sự kết hợp sai các loại thuốc này có thể gây những hậu quả nghiêm trọng.

Thuốc hạ cholesterol + vitamin B3 hoặc thuốc chống nấm

Vitamin B3 hay còn gọi là vitamin PP, hoạt chất là acid nicotinic (niacin) hoặc nicotinamide (dạng amide của acid nicotinic). Vitamin B3 giúp giảm lượng cholesterol, giúp ích cho quá trình tuần hoàn máu và hình thành hệ thần kinh. Nó cũng can thiệp vào quá trình tổng hợp các hormon giới tính. Bằng cách kích thích sự tổng hợp chất sừng, vitamin B3 tham gia cải thiện vẻ đẹp làn da và mái tóc. Tuy nhiên, loại thuốc bổ này có thể gây hại cho cơ bắp nếu bạn uống kết hợp với nhóm thuốc statin cũng có tác dụng làm giảm cholesterol. Cả vitamin B3 và statin đều làm suy yếu cơ ở mức độ khiến bệnh nhân dễ bị chuột rút hoặc đau nhức. Nếu kết hợp hai loại thuốc này sẽ gây nhiều phản ứng như phát ban, khó tiêu, gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân.

Fluconazole là loại thuốc chống nấm thông dụng, được nhiều bác sĩ kê đơn và mọi người có thể tự mua về dùng. Nó sẽ là bình thường nếu như người bệnh không trong thời gian đang phải dùng nhóm thuốc statin để hạ cholesterol. Statin là một trong những loại thuốc được kê đơn nhiều nhất trên thế giới. Sự kết hợp của bộ đôi thuốc statin và fluconazole có khả năng gây yếu cơ hoặc tổn thương thận.

Khi phải dùng nhiều loại thuốc chữa bệnh, người dùng cần lưu ý các tương tác của thuốc
Khi phải dùng nhiều loại thuốc chữa bệnh, người dùng cần lưu ý các tương tác của thuốc. (Ảnh minh họa).

Thuốc thông mũi và thuốc hạ huyết áp

Thuốc thông mũi, đặc biệt loại chứa pseudoephedrine làm co mạch, giúp giảm sưng và giảm chảy mũi. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm co thắt các mạch máu trong cơ thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, chống lại thuốc trị huyết áp và nguy hiểm cho người có huyết áp cao. Vì thế, nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc huyết áp thì không nên sử dụng thuốc thông mũi cùng lúc. Hiện nay, trong một số thuốc trị cảm cúm cũng có chứa thành phần thuốc thông mũi nên bệnh nhân huyết áp cần xem kỹ thành phần thuốc trước khi sử dụng.

Omega-3 và thuốc chống đông máu

Bổ sung omega-3 là việc làm cần thiết, có lợi cho tim nhưng loại axit béo này còn làm hoạt huyết. Vì vậy, nếu người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin hoặc aspirin, có thể tăng nguy cơ chảy máu nếu dùng đồng thời cùng omega-3.

Thuốc giảm đau + thuốc chống trầm cảm

Một số loại thuốc chống trầm cảm đặc biệt là loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin - SSRI (fluoxetin, fluoxamin, sertralin, paroxetin, citalopram...) có tác dụng làm tăng lượng serotonin trong synap do đó làm cải thiện rất hiệu quả trạng thái trầm cảm. Một số thuốc giảm đau có chứa tramadol hydrochloride cũng có thể có tác dụng tương tự. Khi dùng chung SSRI với tramadol thì chúng sẽ cộng hợp cùng chiều làm tăng lượng serotonin quá mức gây hội chứng serotonin. Nếu dùng liều cao hai loại thuốc này có thể gây kích động, làm nhiệt độ cơ thể cao, nhịp tim đập nhanh hơn và thở gấp.

Sử dụng cùng lúc hai loại dung dịch tẩy rửa

Một người phụ nữ Trung Quốc sử dụng nước tẩy rửa bồn cầu cùng với dung dịch tiêu độc. Sau đó bà bị ngất, qua đời do không được cứu chữa kịp thời.

Bác sĩ giải thích hỗn hợp nước tẩy rửa bồn cầu và dung dịch tiêu độc phản ứng với nhau sinh ra khí Clo. Khí này đi vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, khiến niêm mạc đường hô hấp bị viêm dẫn đến khó thở. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

Sử dụng thuốc chống cảm nắng+Cephalosporins

Uống thuốc chống cảm nắng và dùng thêm hai viên kháng sinh Cephalosporins, một bệnh nhân 60 tuổi ở Ningbo (Trung Quốc) phải đi cấp cứu trong tình trạng mặt đỏ, hạ huyết áp.

Thuốc chống cảm vắng kết hợp với thuốc kháng sinh Cephalosporins gây tổn hại gan.
Thuốc chống cảm vắng kết hợp với thuốc kháng sinh Cephalosporins gây tổn hại gan.

Giải thích trường hợp trên, các bác sĩ cho biết thuốc chống cảm nắng có chứa cồn, vào cơ thể sẽ sản sinh ra Ethanol. Trong khi đó, thuốc kháng sinh Cephalosporins lại ức chế Ethanol. Kết hợp với nhau, hai loại thuốc này khiến cơ thể tích tụ Ethanol, từ đó gây ra tổn hại gan, ngưng thở, thậm chí tử vong.

Uống thuốc hạ huyết áp+ăn bưởi

Để hạ huyết áp, một người đàn ông ở Hồ Bắc đã uống hai viên thuốc hạ huyết áp rồi ăn một nửa quả bưởi nhỏ. Nửa giờ sau, ông cảm thấy đau đầu dữ dội, tim đập nhanh phải nhập viện.

Trong bưởi, đặc biệt là bưởi tây, có các thành phần hoạt tính khiến thuốc nhanh chóng ngấm vào máu giống như khi tăng liều lượng thuốc. Nếu như ăn bưởi và uống thuốc hạ huyết áp cùng lúc, tác dụng của thuốc sẽ tăng từ vài lần đến vài chục lần, gây đau đầu buồn nôn rất nguy hiểm. Tốt nhất, nên tránh ăn bưởi 72 giờ trước và 6 giờ sau khi uống thuốc hạ huyết áp.

Xịt thuốc muỗi+thoa kem chống nắng

Thành phần chủ yếu trong thuốc xịt muỗi là Diethyltoluamide và cồn, trong khi kem chống nắng chứa Benzophenone. Hỗn hợp gồm Diethyltoluamide, cồn và Benzophenone gặp nhiệt độ cao trên da sẽ gia tăng tốc độ hấp thụ, khiến những người thể trạng nhạy cảm dễ phát sinh dị ứng như một phụ nữ Đài Loan. Bà này nổi mẩn đỏ khắp tay, chân rồi ngất xỉu do bôi kem chống nắng ngay sau khi xịt thuốc muỗi.

Chanh và thuốc ho

Chanh, bưởi và cam có thể phá vỡ một loại enzyme phân hủy statin và một số loại thuốc khác, bao gồm thuốc ho dextromethorphan.

Thuốc sau đó sẽ tích tụ trong máu bệnh nhân nên nguy cơ bị ảnh hưởng tác dụng phụ tăng lên, Mary Ellen Gullickson - dược sĩ ở Phòng khám Marshfield, tiểu bang Wisconsin, Mỹ - cho biết. Với dextromethorphan, tác dụng phụ sẽ là ảo giác và buồn ngủ còn với nhóm statin, bạn có thể bị tổn thương cơ nghiêm trọng.

Các sản phẩm sữa và thuốc kháng sinh

Sữacó những tác dụng không mong muốn tương tự đối với vitamin và khoáng chất.
Sữacó những tác dụng không mong muốn tương tự đối với vitamin và khoáng chất.

Một số kháng sinh, bao gồm Cipro tác dụng với canxi, sắt và các khoáng chất khác trong các thực phẩm làm từ sữa. "Điều này ngăn cản sự hấp thu của kháng sinh làm giảm khả năng chống nhiễm trùng", TS Gullickson nói.

Vì vậy, bệnh nhân tránh dùng sữa, pho mát, sữa chua 2 giờ trước và sau khi uống thuốc. Ngoài ra, sữa cũng có những tác dụng không mong muốn tương tự đối với vitamin và khoáng chất.

Nước ép táo và thuốc chống dị ứng

Hãy tránh nước ép táo, cam, bưởi trong vòng 4 giờ trước và sau khi bạn đã uống thuốc Allegra (fexofenadine) khi sốt mùa hè, chuyên gia Gullickson khuyên. Các loại nước này chứa một axit amin vận chuyển thuốc từ ruột vào máu. Kết quả, việc hấp thụ Allegra giảm tới 70%, giảm tác dụng chảy mũi và ngăn hắt hơi, Tiến sĩ Tom Wheeler nói.

Rượu và acetaminophen (Paracetamol)

Rượu sẽ làm tăng tác dụng của các men chuyển chất thuốc thành chất chuyển hóa Acetylbenzoguinoneimin, gây độc hại cho gan, thận. Nói chung, không nên sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong vòng 6 tiếng trước và sau khi uống rượu.

Ngoài ra, cần lưu ý những trường hợp sau đây

Thuốc cảm cúm như Paracetamol, hợp chất Paracetamol và Amantadine Hydrochloride đều có chứa Acetaminophen, khi gặp mật ong tạo ra chất phức hợp làm giảm tác dụng hạ sốt. Các loại thuốc chứa mật ong như sirô ho, cao sơn trà không thích hợp khi sử dụng với các loại thuốc cảm trên.

Không kết hợp Vitamin C với Sulfonamide vì có nguy cơ kết tủa gây sỏi đường tiết niệu.

Iốt trong cồn Iốt sẽ cùng thủy ngân trong Merbromin phát sinh phản ứng, tạo ra thủy ngân Iốt tích tụ lại trên da, gây hại cho cơ thể.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mỗi một loại thuốc đều có công hiệu riêng, mang tính chất và phản ứng khác nhau, có tác dụng đối với các bộ phận trong cơ thể con người và có công hiệu trong thời gian cũng khác nhau. Khi phải dùng nhiều loại thuốc chữa bệnh, người dùng cần lưu ý các tương tác của thuốc. Ngay cả những loại thuốc bình thường và thông dụng nhất vẫn có thể có phản ứng với những loại thuốc khác khi được uống chung với nhau. Do đó, cùng lúc uống nhiều loại thuốc sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ, phân bố, trao đổi và đào thải cũng như sự tương tác giữa thuốc với nhau.

Để an toàn khi dùng thuốc điều trị bệnh, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Không tự ý dùng thuốc, không dùng thuốc quá liều. Nên thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc đang sử dụng. Khi phải dùng nhiều loại thuốc, cần xin ý kiến của thầy thuốc về thời điểm dùng thuốc. Mỗi người cần tạo thói quen đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc để biết những thông tin cần thiết khi dùng loại thuốc đó và những tương tác bất lợi của thuốc, tránh những phản ứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Cập nhật: 26/04/2019 Tổng Hợp
  • 52
  • 3.184