Các nhà khoa học dùng thuốc để tăng khả năng trí óc

  •  
  • 1.508

Theo một bản điều tra do Nature, tờ báo khoa học hàng đầu nước Anh, thực hiện thì 20% các nhà khoa học thú nhận từng sử dụng các liều thuốc tăng cường hoạt động trí óc vì những lý do ngoài y tế.

Phần lớn các nhà khoa học thuộc nhóm những người dùng thuốc cho biết họ sử dụng để “tăng cường sức tập trung” và khoảng 60% nói rằng họ dùng đều đặn hàng tuần hoặc hàng ngày. 1.427 người tham gia – phần lớn là ở Mỹ - điền vào một bản điều tra trực tuyến không chính thức được đăng trên diễn đàn của mạng “Nature Network”, trang thảo luận dành cho các nhà khoa học do Nature Publishing Group điều hành.

Hơn 1/3 cho biết họ sẽ cảm thấy áp lực khi đưa cho con cái các loại thuốc như thế nếu họ biết những đứa trẻ khác ở trường cũng đang dùng. Theo Ruth Francis, người chịu trách nhiệm quan hệ báo chí cho nhóm trên, phát biểu với AFP rằng “Đây đều là những nhà trí thức làm việc tại các viện nghiên cứu khoa học.”

Bản điều tra này nhắm vào ba loại thuốc thường thấy trên các đơn thuốc hoặc qua Internet.

Ritalin, tên thương mại của methylphenidate, là một loại thuốc kích thích dùng để chữa chứng rối loạn giảm khả năng tập trung, đặc biệt là ở trẻ em. Modafinil – quảng cáo dưới tên Provigil – được kê đơn để chữa chứng rối loạn giấc ngủ nhưng cũng hiệu quả trong việc chữa mệt mỏi thông thường và mệt mỏi do đi máy bay.

Cả hai loại thuốc này khá phổ biến trong khuôn viên các trường đại học, được dùng làm “công cụ hỗ trợ học tập” để tăng cường khả năng học tập và sự tỉnh táo.

Brian Doyle, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, phát biểu với một tờ báo của Mỹ “Dường như điều này không gây nhiều rắc rối lắm vì phần lớn sinh viên sử dụng thuốc không phải vì nghiện mà để học tập tốt hơn. Khi kỳ thi qua đi, họ trở lại bình thường và dừng lạm dụng thuốc.”

Những chuyên gia khác lại bày tỏ lo ngại về kết quả của cuộc điều tra. Wilson Compton, Giám đốc chương trình nghiên cứu dịch tễ học và phòng chống tại Viện nghiên cứu Sự lạm dụng thuốc Quốc gia (NIDA), phát biểu với AFP “Nó báo động cho chúng ta rằng các nhà khoa học, cũng như nhiều người khác, đang tìm đường tắt.” Ông cũng lưu ý Ritalin có thể gây nghiện thậm chí khi nó được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi sử dụng theo đơn.

Nhóm thuốc thứ ba trong bản điều tra là beta blocker, được kê đơn cho những người bị loạn nhịp tim và khá phổ biến với nhiều người vì hiệu quả chống lo lắng của nó.

Trong số 288 nhà khoa học cho biết từng uống một trong ba loại thuốc trên ngoài lý do y tế, 3/5 dùng Ritalin, gần phân nửa dùng Provigil. Chỉ có 15% dùng beta blocker. Hơn 1/3 mua thuốc qua Internet, những người còn lại mua tại hiệu thuốc.

Những lý do dùng thuốc khác được nêu ra tập trung vào những trường hợp đặc biệt và chống lại chứng mệt mỏi trên máy bay.

Gần 70% trong số 1.258 người tham gia trả lời câu hỏi cho biết họ sẽ sẵn sàng bỏ qua những tác dụng phụ nhẹ để “tăng cường năng lượng não” bằng cách sử dụng thuốc cải thiện nhận thức. Phân nửa những người dùng thuốc báo cáo lại những ảnh hưởng như đau đầu, bồn chồn, lo lắng và mất ngủ.

Wilson thuộc NIDA bày tỏ sự ngạc nhiên về tỉ lệ lạm dụng thuốc đưa ra nhưng thận trọng cho rằng bản nghiên cứu chưa đạt chuẩn nghiêm ngặt của nghiên cứu khoa học. “Đây là đợt bỏ phiếu tự nguyện trên mạng. Có thể có sự thổi phồng.”

Nhưng các công trình trước đó chứng tỏ rằng, khi ranh giới giữa chữa bệnh và tăng cường khả năng bắt đầu mờ nhạt, việc sử dụng các loại thuốc cải thiện khả năng làm việc tiếp tục nhận được sự đồng tình về mặt văn hóa. Trong bài bình luận của mình, Nature cho biết “giống như việc giải phẫu thẩm mỹ, sử dụng các chất tăng cường khả năng nhận thức có khả năng gia tăng khi mà những mối lo ngại về đạo đức sinh học và tâm lý được giải quyết.”

Trong bản điều tra, 80% các nhà khoa học – thậm chí những người không dùng thuốc – bảo vệ quyền “làm người khỏe mạnh” để sử dụng thuốc như công cụ tăng khả năng làm việc, và hơn 1/2 cho biết việc sử dụng chúng không nên bị cấm đoán, thậm chí cho kỳ thi vào đại học.

Hơn 57% những người tham gia từ 35 tuổi trở lên.

Tuệ Minh (Theo Physorg)
  • 1.508