Chúng ta biết rằng, Mặt trăng là vệ tinh duy nhất của Trái đất và cũng là thiên thể duy nhất ngoài Trái đất mà con người đã đặt chân đến. Đã 45 năm trôi qua kể từ khi Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt trăng.
Khi đã hiểu hơn, con người chúng ta vẫn luôn tìm cách để có thể sử dụng và khai thác vệ tinh này. Cùng tìm hiểu những "tác dụng" không ngờ của Mặt trăng bên cạnh việc điều khiển thủy triều và ý tưởng khai thác Mặt trăng táo bạo.
NASA vẫn đang trong công cuộc tìm hiểu và khai thác những yếu tố địa chất trên Mặt trăng nhằm tìm ra các nguồn tài nguyên mới và có ích từ hành tinh này. Với sự phát hiện nước tồn tại trên Mặt trăng cùng với nguồn helium 3 (đồng vị phóng xạ hiếm) dồi dào, Mặt trăng hứa hẹn là một “trạm nhiên liệu” hoàn hảo.
Nguồn nước tìm thấy trên Mặt trăng nếu có thể khai thác sẽ là một điều kiện tuyệt vời để con người thực hiện cuộc “khai phá” Mặt trăng nói riêng và vũ trụ nói chung.
Sử dụng Mặt trăng như một “trạm dừng chân”, chúng ta có thể khám phá các hành tinh khác như Sao Hỏa một cách dễ dàng hơn rất nhiều so với phóng tàu đi từ Trái đất. Và đương nhiên, việc đặt một hệ thống “nhà nghỉ” tạm thời ở đây sẽ là một bước đệm tuyệt vời giúp con người vươn xa hơn trong vũ trụ.
Không những thế, việc tìm ra chất helium 3 trong bụi Mặt trăng cũng mở ra một lối thoát mới cho công cuộc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế của con người. Với việc thương mại hóa được nguồn helium 3, Mặt trăng sẽ chính thức trở thành một “trạm nhiên liệu” của con người.
Theo tính toán của các chuyên gia, nguyên liệu quý giá này có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của con người ít nhất trong 10.000 năm.
Từ vụ thảm họa hạt nhân kinh hoàng ở Fukushima, một công ty Nhật Bản - Shimizu Corporation đã đưa ra một kế hoạch xây dựng một “vòng đai Mặt trăng” bao gồm vô vàn những tấm pin Mặt trời trải dài hơn 10.000km và rộng đến 19km trên bề mặt của vệ tinh này.
Mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra một vòng tròn khép kín các tấm pin Mặt trời xung quanh đường xích đạo của Mặt trăng, nhằm khai thác một cách tốt nhất ánh sáng đến từ Mặt trời. Nguồn năng lượng khai thác được sẽ được truyền về Trái đất bằng tia hồng ngoại và laser.
Những tấm pin Mặt trời này dự kiến sẽ được dựng lên bởi vô vàn những chú robot khác nhau. Chúng sẽ thay nhau san lấp mặt bằng và khai khẩn các vùng đất khô cằn nhất để dựng lên một “vòng đai” pin Mặt trời nằm bao quanh Mặt trăng.
Nếu thành công, dự án này có thể cung cấp một nguồn năng lượng lên đến 13.000 terawatt/ngày. Đây quả là một con số khổng lồ khi mà lượng điện trung bình tiêu thụ của cả nhân loại một ngày vào khoảng 15-18 terawatt. Mỗi terawatt là khoảng 1.000 tỉ watt.
Phải chăng Hawaii giờ đã là quá khứ, địa điểm của tuần trăng mật mà mọi người sắp nhắm tới sẽ là Mặt trăng? Ý tưởng táo bạo này đã được một công ty tàu không gian tên Golden Spike xây dựng. Dự án này sẽ hứa hẹn mở ra một tuyến du lịch "không tưởng" - chu du lên Mặt trăng.
Với khoản tiền không hề nhỏ 1,55 tỉ USD (tương đương 32.000 tỷ VND), Golden Spike dự tính cung cấp cho khách hàng một chuyến đi lên Mặt trăng dành cho 2 người trong vòng ít nhất là 36 tiếng và có cả “quà” mang về. Một chuyến bay vào Mặt trăng kéo dài một tuần cũng nằm trong bản kế hoạch với chi phí khoảng 900 triệu đô (hơn 18.000 tỷ VND).
Dù chỉ là một bản kế hoạch nhưng điều này cho thấy rõ tiềm năng du lịch không hề nhỏ của Mặt trăng. Biết đâu trong tương lai, du lịch Mặt trăng lại trở thành một trong những gói du lịch đắt khách nhất trên thế giới.
Một trong những ý tưởng gây nhiều tranh cãi nhất là đề xuất về việc sử dụng Mặt trăng như một bãi rác để lưu trữ chất thải phóng xạ.
Không giống như Trái đất là môi trường sống của không chỉ con người mà còn của vô số loài động - thực vật khác thì Mặt trăng lại hoàn toàn “vô dân cư”. Điều này rất thích hợp để biến nơi đây thành một bãi chứa những rác thải độc hại.
Bề mặt của Mặt trăng là vô trùng, nơi đây có môi trường bức xạ cứng với sự ổn định địa chất tuyệt vời và không có khả năng gây ô nhiễm cho các quần xã sinh vật như ở Trái đất. Cách vận chuyển các thùng chất thải được đề xuất là sử dụng các tàu không gian được lập trình bay về hướng bề mặt Mặt trăng rồi sau đó cho phát nổ bằng tên lửa.
Một biện pháp lý tưởng hơn là hướng chất thải này vào miệng núi lửa trên Mặt trăng, khiến cho việc xác định khu vực ô nhiễm cụ thể càng dễ dàng hơn nhiều. Và nếu thậm chí sau này có những cư dân sống ở trên Mặt trăng, chúng ta cũng có thể xử lý chất thải này rồi sau đó tái sử dụng chúng.