Cách các thiên tài tư duy khác người bình thường như thế nào? (Phần 2)

  •  
  • 3.305

Einstein đã suy nghĩ theo cách nào để tìm ra thuyết tương đối hẹp và phương trình nổi tiếng về năng lượng của các thiên thể trong không gian E=mc2? Điều gì đã giúp thiên tài vật lý Nikola Tesla tìm ra nguyên lý dòng điện xoay chiều - dòng điện tiêu chuẩn phổ biến thế giới hiện nay?

Mời bạn đọc đến với phần hai của loạt bài về các chiến lược tư duy đã tạo nên các thiên tài có nhiều đóng góp cho thế giới trên mọi lĩnh vực từ khoa học đến nghệ thuật. Loạt bài tổng hợp từ Creativity Post và nhiều nguồn khác.

Phần 2: Thiên tài là những người có năng suất khổng lồ, tạo ra những kết hợp mới và phát hiện những mối quan hệ mà người thường không nhận ra

Albert Einstein
Einstein được biết đến nhiều nhất với nghiên cứu về thuyết tương đối nhưng ông cũng xuất bản 248 nghiên cứu khác.

Sáng tạo không ngừng

Một đặc điểm khác biệt của thiên tài là năng suất khổng lồ.

Theo Wikipedia, Thomas Edison có 1.093 sáng chế đăng ký tại Mỹ và lập kỷ lục là nhà sáng tạo có nhiều bằng sáng chế nhất thế giới trong thế kỷ 20. Edison đảm bảo năng suất bằng cách đề ra cho bản thân và các trợ lý những "hạn ngạch" ý tưởng. Hạn ngạch cá nhân của ông là một sáng chế nhỏ mỗi 10 ngày và một sáng chế lớn mỗi sáu tháng.

Các thiên tài âm nhạc như Bach viết một bản cantata mỗi tuần, kể cả khi ông ốm hoặc kiệt sức; Mozart sáng tác hơn 600 tác phẩm âm nhạc. Einstein được biết đến nhiều nhất với nghiên cứu về thuyết tương đối nhưng ông cũng xuất bản 248 nghiên cứu khác.

Vô số bản thảo "Đất hoang" (The Waste Land) của T. S. Elliot gồm nhiều đoạn thơ hay và dở cuối cùng đã biến thành một kiệt tác thơ ca của thế kỷ 20. Trong một nghiên cứu về 2.036 nhà khoa học trong lịch sử, Dean Keith Simonton-giáo sư tâm lý xuất sắc của đại học California, đã phát hiện ra là, những người đáng nể trọng nhất không chỉ sáng tạo ra những tác phẩm vĩ đại mà cũng tạo ra nhiều tác phẩm "dở" hơn. Chất lượng đến từ khối lượng khổng lồ các công trình của họ.

Bach viết một bản cantata mỗi tuần, kể cả khi ông ốm hoặc kiệt sức; Mozart sáng tác hơn 600 tác phẩm âm nhạc.
Bach viết một bản cantata mỗi tuần, kể cả khi ông ốm hoặc kiệt sức; Mozart sáng tác hơn 600 tác phẩm âm nhạc.

Tạo ra những kết hợp mới mẻ

Trong cuốn Thiên tài khoa học (Scientific Genius) ra mắt năm 1989, Dean Keith Simonton cho rằng, thiên tài là thiên tài bởi vì họ tạo ra nhiều sự kết hợp mới mẻ hơn những tài năng thuần túy. Lý thuyết của ông có lý do đằng sau đó: từ cogito - "Tôi tư duy" (trong triết lý nổi tiếng của Réne Descartes "cogito, ergo sum" - "Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại") ban đầu có nghĩa là "lắc cùng nhau", còn intelligo, từ gốc của intelligence-sự thông minh có nghĩa là "chọn lựa giữa (nhiều thứ)" . Đây là việc sớm chứng nhận rõ ràng hai điều hữu ích: sự hữu ích của việc cho phép các ý tưởng và suy nghĩ kết hợp với nhau một cách ngẫu nhiên và sự hữu ích của việc chọn lựa một vài ý tưởng để giữ lại từ nhiều ý tưởng.

Như một đứa trẻ say sưa chơi với nhiều bộ Lego, một thiên tài liên tục kết hợp và tái kết hợp các ý tưởng, hình ảnh và suy nghĩ thành các kết hợp khác nhau trong tiềm thức lẫn ý thức của họ.

Ví dụ, xem xét phương trình của Einstein, E=mc2, chúng ta thấy Einstein không phát minh ra các khái niệm năng lượng, khối lượng, vận tốc ánh sáng. Bằng cách kết hợp các khái niệm đó theo cách mới, ông có thể nhìn thấy cùng một thế giới như những người khác nhưng ông cũng nhận ra một cái gì đó khác biệt (trong thế giới đó).

Quy luật di truyền, nền tảng của khoa học di truyền hiện đại, là thành quả của Gregor Mendel, người đã kết hợp toán học và sinh học để tạo ra một ngành khoa học mới.

Sóng hấp dẫn
(Ảnh: NASA)

Thiết lập các mối quan hệ (liên tưởng)

Theo tác giả Michael Michalko - một chuyên gia nổi tiếng thế giới về tư duy sáng tạo, một cách suy nghĩ đặc biệt nổi bật của thiên tài sáng tạo là khả năng sắp xếp các đề tài không giống nhau. Đó là năng khiếu kết nối những điều không liên quan, năng lực cho phép họ nhìn thấy những thứ mà người khác không thấy.

Kết nối giữa âm thanh của tiếng chuông nhà thờ và một hòn đá bắn vào nước đã giúp danh họa Leonardo da Vinci nghĩ ra việc âm thanh được truyền đi có dạng sóng vào năm 1500.

Âm thanh được truyền đi có dạng sóng
(Ảnh: Think jar collective)

Năm 1865, nhà hóa học Đức Friedrich August Kekulé, một trong những người khai sinh ra ngành hóa hữu cơ hiện đại, đã trực nhận hình dạng của phân tử benzene giống hình nhẫn bằng cách liên tưởng tới giấc mơ về một con rắn cắn đuôi của nó.

Benzene là một hợp chất quan trọng được dùng trong công nghiệp. Ngoài hình dạng, Kekulé còn là người phát hiện ra cấu tạo và thành phần của chất này.

Khi cố gắng hình dung cách tạo ra một tín hiệu điện tín đủ lớn để truyền được từ bờ biển này sang bờ biển kia, người phát minh ra máy điện báo Samuel Morse bế tắc trước giải pháp truyền thống là dùng máy phát điện. Các máy phát điện lớn hơn cũng không thể truyền điện ở khoảng cách quá xa. Nhìn thấy những con ngựa mệt mỏi đang được trao đổi ở một trạm ngựa, Samuel liên tưởng giữa việc người ta thay ngựa ở các trạm ngựa trên đường đi và tín hiệu điện tín. Từ đó, ông nghĩ ra giải pháp là định kỳ gia tăng công suất cho tín hiệu truyền tải.

Thiên tài vật lý, kỹ sư Nikola Tesla đã liên tưởng mặt trời đang lặn và một động cơ để hình thành nguyên lý chế tạo dòng điện xoay chiều (AC): dòng điện tạo ra nhờ từ trường quay quanh bên trong động cơ, giống như cách mặt trời quay quanh chính nó.

Còn tiếp...

Cập nhật: 15/07/2019 Theo vnreview
  • 3.305