Cách để nhận biết đâu là loại cây có thể ăn được

  •   55
  • 4.508

Chắc hẳn nhiều người cũng đã từng nghe về câu chuyện của Christopher McCandless, nhân vật nguyên mẫu tạo cảm hứng trong cuốn sách và bộ phim cùng tên “Into the Wild”. Người đã thực hiện cuộc hành trình đi lang thang trong vùng hoang dã hơn 100 ngày và cuối cùng là từ giã cuộc đời ở độ tuổi 24 cạnh một chiếc xe bus đã ngưng hoạt động từ lâu. Lý do được xác định là chết đói.

Cũng qua câu chuyện của Christopher McCandless đã nhắc nhở chúng ta rằng việc nắm giữ các bí quyết sinh tồn ngoài tự nhiên là cần thiết và cực kỳ quan trọng. Bởi không ai biết tương lai thế nào, rất nhiều trường hợp có thể xảy ra và trong đó không kém phần quan trọng là phải nắm được cách để xác định loài cây, cỏ ăn được trong tự nhiên.

Tất nhiên cách tốt nhất để xác định vẫn là nghiên cứu, tìm hiểu về loại cây đó và nắm rõ các hướng dẫn nhận dạng thực vật ăn được. Vì thế trước khi có một chuyến đi cắm trại hay vào những nơi hoang dã, an toàn nhất vẫn là tìm hiểu về hệ thực vật, động vật địa phương và chuẩn bị một quyển sách hướng dẫn để xác định thực vật. Thế nhưng nếu chúng ta trong tình huống khẩn cấp không tìm thấy những loài thực vật quen thuộc và không thể tra cứu thì đây sẽ là các bước để giảm rủi ro.

Cách nhận biết cây ăn được hay không

  • Đầu tiên chúng ta cần chia cây thành các bộ phận như rễ, cành, hoa, lá, hạt, trái để thử và lấy từng phần thực hiện các bước sau đây để xác định đâu là phần ăn được. Sau khi đã tách thành từng bộ phận, hãy kiểm tra và tìm một cây cùng loại khác khi thấy có sâu, côn trùng,… trên đó. Bởi đó có thể là cây đã bị hỏng, đặc biệt là khi trên đó chỉ còn lại dấu vết tấn công của các loài côn trùng mà không thấy chúng đâu.
  • Nghiền nát và chà xát từng phần lên những vùng da mỏng của tay như cổ tay, hay khuỷy tay,… sau đó chờ một vài phút để xem phản ứng. Nếu xuất hiện tình trạng ngứa, rát khó chịu hãy lập tức rửa sạch và bỏ loại phần này của cây.
  • Trong trường hợp da vẫn không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nấu chín nó nếu có thể. Bởi một số loại thực vật không thể ăn được khi chúng còn sống và việc làm chín cũng giúp hệ tiêu hoá của chúng ta giảm tải áp lực hơn.
  • Hãy ngậm thử trong miệng và chờ trong 15 phút để xem các phản ứng từ cơ thể
  • Tiếp đến hãy cắn và nhai thử một miếng nhỏ. Nếu phát hiện bất cứ mùi hôi, vị đắng hay khó chịu nào lập tức xúc miệng thật kỹ và bỏ loại cây này.
  • Nếu vẫn chưa có gì xảy ra, hãy thử ăn miếng nhỏ và chờ đợi trong 8 tiếng để quan sát cơ thể. Sau đó tiếp tục thử thêm một miếng nhỏ và tiếp tục đợi 8 tiếng. Nếu cơ thể vẫn không có dấu hiệu bất thường, phần cây này được xem như là an toàn.

Lặp lại các bước này với từng bộ phận của cây đến khi tìm thấy phần cây không có độc. Lưu ý rằng trước cuộc thử nghiệm 8 tiếng và trong quá trình đang thử nghiệm, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm khác ngoài trừ nước lọc để tránh các phản ứng kỵ nhau. Nếu phần đầu tiên bạn chọn không thể vượt qua bài kiểm tra, bạn cần chờ đợi đến khi các triệu chứng biến mất rồi mới tiếp tục thử nghiệm phần khác,

Trong trường hợp bạn vẫn còn nguồn thực phẩm khác nhưng đang trong tình trạng cạn kiệt dần và cần tìm nguồn khác thay thế, bạn có thể kết hợp quá trình thử nghiệm này và chia thời gian trong ngày thành 3 giai đoạn, sử dụng 8 tiếng khi ngủ để đợi thực phẩm tiêu hoá hoàn toàn trước khi bước vào bài kiểm tra. Sau đó thức giấc và thử nghiệm loại cây mới. Sau 8 giờ, tiếp tục ăn nguồn thực phẩm an toàn bạn có và chờ đợi. Đặc biệt lưu ý, những bước này chỉ nên được sử dụng khi bạn đang trong tình huống sống còn.

Cập nhật: 01/01/2021 Theo Tinh Tế
  • 55
  • 4.508