Cách nào thu hẹp khoảng cách số cho nông thôn?

  •  
  • 523

Nếu có sự hỗ trợ của nhà nước và các doanh nghiệp dùng chung hạ tầng, khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn có thể thu hẹp nhanh.

Sáng 17-7-2007, Bộ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức hội thảo khoa học CNTT-TT phục vụ nông thôn để tìm các giải pháp nhanh chóng xoá bỏ khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá cho biết đến nay ngành Bưu chính Viễn thông và công nghệ thông tin (BCVT, CNTT) đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD để hiện đại hoá mạng lưới và dịch vụ viễn thông đến 100% các xã nông thôn. Để đẩy nhanh việc phát triển dịch vụ CNTT-TT cho nông thôn, Chính phủ đã cho ra đời Quỹ dịch vụ viễn thông công ích đảm bảo cung cấp dịch vụ cho các vùng sâu, vùng xa khó có thể kinh doanh thuần tuý.

Khoảng cách số nông thôn-thành thị ngày càng lớn

Theo Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, mức độ phổ cập dịch vụ CNTT-TT chủ yếu mới tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi các dịch vụ viễn thông và Internet ở các đô thị lớn đang tiến nhanh tới bão hoà, việc phát triển các dịch vụ này ở vùng nông thôn còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt chênh lệch này thể hiện rất rõ ở tỷ lệ người dùng Internet. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, riêng Hà Nội và TP.HCM hiện chiếm hơn 35% thuê bao Internet của cả nước.

Hoạt động của các điểm Bưu điện Văn hoá xã (BĐ-VHX) đã góp phần đáng kể giúp thu hẹp khoảng cách số nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết, tính đến tháng 5-2007, cả nước có 7.990 điểm BĐ-VHX cung cấp các dịch vụ bưu chính và viễn thông cơ bản như dịch vụ thoại, bưu chính và Internet. Các điểm BĐ-VHX này còn là “điểm đọc cộng đồng” một số loại sách báo cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc đưa Internet về các điểm bưu điện này chưa thực sự hiệu quả. Theo ông Nguyễn Mậu Lân, Ban Viễn thông Nông thôn - Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT), trong số 2.000 điểm BĐ-VHX có trang bị Internet, chỉ có một ít cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao ADSL, còn lại là kết nối Internet gián tiếp tốc độ chậm nên không hiệu quả.

Đưa CNTT-TT về nông thôn: Kinh doanh hay công ích?

Các điểm Bưu điện Văn hoá xã đã góp phần đáng kể giúp thu hẹp khoảng cách số. (Điểm Bưu điện Văn hoá xã Hùng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình - Ảnh: ICTnews.

Để thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, ông Lân cho rằng “nên coi việc đưa Internet về nông thôn là cách để ổn định xã hội, đưa thông tin và tri thức đến người dân chứ không nên tính chuyện lỗ lãi”. Theo ông Lân, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nên có chính sách hỗ trợ truy cập Internet tốc độ cao (ADSL) miễn phí tại các điểm BĐ-VHX trên phạm vi toàn quốc chứ không phải ở những vùng công ích như hiện nay.

Đại diện VNPT cũng đề xuất chương trình xây dựng các điểm truy cập độc lập, mỗi điểm gồm máy tính giá rẻ dạng “dã chiến” bằng màn hình cảm ứng (không có chuột, bàn phím). Để khuyến khích người dân sử dụng tại các điểm truy cập này, theo ông Lân cần có chính sách cung cấp dịch vụ Internet giá rẻ hoặc miễn phí, phát triển các trang nội dung hấp dẫn người nông dân, yêu cầu các cơ quan nhà nước công khai các thông tin hành chính trên mạng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel lại có cách nhìn khác. Theo ông Hùng, để phát triển dịch vụ CNTT-TT cho nông thôn phải tìm cách có lãi. Ông Hùng cho biết cả nước hiện có khoảng 10 triệu hộ gia đình nông thôn với thu nhập khoảng 2 tỷ USD. Ước tính trung bình mỗi hộ gia đình có khả năng chi khoảng 5 USD (khoảng 80 nghìn đồng) cho dịch vụ viễn thông. Theo tính toán của ông Hùng, chi phí cho một điện thoại qua vệ tinh VSAT hiện khoảng 400 nghìn đồng, với một điện thoại kéo dây là khoảng 200 nghìn đồng và không dây khoảng 100 nghìn đồng (một tháng). Như vậy, chi phí cho một điện thoại theo cả ba công nghệ trên là không khả thi với khả năng chi của các hộ gia đình nông thôn. Chỉ có cách có thể kinh doanh có lãi với người dùng nông thôn là tận dùng hạ tầng di động để cung cấp nhiều dịch vụ trên đó.

Theo ông Hùng, cách tận dụng hạ tầng tốt nhất là có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dùng chung hạ tầng. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng chí nên chuyến khích dùng chung hạ tầng ở những thị trường khó kinh doanh có lãi. Ngoài ra, chi phí thiết bị đầu cuối có thể giảm đáng kể nếu được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, ông Hùng đề nghị “Bộ BCVT nên sớm cấp phép 3G cho các doanh nghiệp di động GSM vì công nghệ WiMax hiện chưa khả thi”.

Đỗ Duy

Theo Bưu điện Việt Nam
  • 523