Sở hữu khối tài sản 20 tỷ USD và được mệnh danh là "quái vật" làng công nghệ, Elon Musk cho biết ông có thể bị rối loạn lưỡng cực (trầm cảm mức độ nặng).
Năm 2019, theo thống kê của Forbes, tài sản của Elon Musk vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Ông là chủ nhân của nhiều sáng chế công nghiệp hóa hàng đầu. Để có được thành quả như hôm nay, vị tỷ phú công nghệ sinh năm 1971 phải làm việc liên tục 100 tiếng mỗi tuần.
Trên trang Twitter của Eric Diepeveen, Elon Musk từng trả lời câu hỏi của CEO Stolen Couch Games về những thăng trầm trong cuộc đời mình.
Ông nói rằng: "Thực tế có lúc rất tuyệt vời nhưng đôi khi tôi thấy kinh khủng, luôn cảm thấy stress. Tôi không nghĩ mọi người muốn nghe về hai điều cuối". Mặc dù chưa được chẩn đoán chính xác mắc bệnh trầm cảm, Elon Musk cho biết mình có thể bị rối loạn lưỡng cực (trầm cảm mức độ nặng).
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là chứng bệnh rối loạn tâm thần khiến cảm xúc biến đổi không ổn định. Bên trong người bệnh tồn tại cảm xúc hưng phấn, ức chế (trầm cảm) xen kẽ nhau, rất khó kiểm soát.
Elon Musk tiết lộ có thể bản thân mắc chứng rối loạn lưỡng cực. (Ảnh: Pinterest).
Tình trạng tâm lý này có thể một phần do tuổi thơ không bình yên của Elon Musk. Năm 1979, cha mẹ ly hôn, ông và em trai sống với mẹ. Trong cuốn “Elon Musk: Tesla, SpaceX và hành trình đi tới tương lai”, ông chủ Testa chia sẻ việc bị một nhóm bạn bắt nạt, đánh tới ngất xỉu và ném xuống cầu thang, phải nằm viện.
Errol Musk cho biết, cha ông bày tỏ cảm xúc nghẹn ngào khi con trai bị thương nặng đến mức không nhận ra. Suốt hai tuần nằm viện, Elon Musk sống trong nỗi đau thể xác và tinh thần và cảm giác đó theo ông đến mãi sau này.
Tác giả Tom Junod từng nhận định với Tạp chí Esquire rằng Elon Musk vượt qua những cú vấp đầu đời là nhờ tinh thần và đam mê máy tính, kinh doanh.
Với 100 giờ làm việc một tuần, Elon Musk chỉ dành 5 phút để ăn trưa. "Điều đó không thực sự tuyệt vời đâu. Có những khi tôi không rời nhà máy suốt 3-4 ngày", Musk thừa nhận.
Căn bệnh rối loạn lưỡng cực mà Elon Musk đề cập, theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội năm 2017, có thể khiến gần 40.000 người Việt tự tử mỗi năm. Lối sống hiện đại nhiều áp lực, cơ thể không được nghỉ ngơi đúng cách là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới con số đáng báo động này.
Áp lực và sự cô đơn khiến con người cách bệnh trầm cảm một bước chân. (Ảnh: Pinterest).
Đầu năm 2018, tại Trung Quốc, nữ bác sĩ gục xuống chết ngay trước mặt bệnh nhân vì làm việc căng thẳng trong 18 giờ liên tục.
Nhà thần kinh học Matthew Walker (Đại học California, Mỹ) chia sẻ với Business Insider rằng: "Ngủ càng ít, đời càng ngắn. Chất lượng sống của bạn sẽ giảm sút nghiêm trọng vì thói quen này".
Nghỉ ngơi dưới mức 7-8 tiếng một ngày sẽ khiến cơ thể tích tụ những tổn thương dài hạn, thậm chí tử vong. Tình trạng thiếu ngủ làm suy kiệt tế bào NK, một dạng lymphocyte (bạch cầu) giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như béo phì, tiểu đường, Alzheimer. Chưa kể, người ngủ ít dễ bị ung thư.