Hào quang Mặt trăng rực sáng thực chất là ảo ảnh quang học hình thành khi ánh sáng bị các tinh thể băng trong mây khúc xạ.
Người dân tại các khu vực tây bắc Arkansas, miền bắc Michigan và Chicago bắt gặp quầng sáng tròn bao quanh Mặt trăng đêm hôm 21-22/3. Một số người chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội, đồng thời bày tỏ thắc mắc về cảnh tượng độc đáo.
Hào quang Mặt trăng quan sát ở Chicago (trái) và Boyne (phải). (Ảnh: Craig Napont/April).
Đây là hào quang Mặt trăng, thực chất là một ảo ảnh quang học. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), quầng sáng này hình thành khi ánh trăng bị khúc xạ bởi các tinh thể băng trong những đám mây ti (cirrus).
Khúc xạ là sự đổi hướng của một loại sóng, trong trường hợp này là sóng ánh sáng, khi nó trải qua một sự thay đổi tốc độ. Điều này thường quan sát được khi sóng di chuyển từ môi trường này sang môi trường khác ở bất cứ góc nào ngoài 90 độ và 0 độ. Với hào quang Mặt trăng, ảo ảnh xuất hiện nhờ các tinh thể băng hình lục giác tí hon lơ lửng trong những đảm mây ti mỏng.
Mây ti hình thành ở độ cao lớn, khoảng 6.000 m hoặc hơn. Khi những tia sáng Mặt Trời chiếu đến Mặt trăng rồi bật tới khí quyển Trái Đất, chúng có thể "chạm trán" những đám mây này. Chúng sẽ bị khúc xạ bởi các tinh thể băng hình lục giác và đổi hướng 22 độ so với ban đầu, theo nhà khí tượng Sagay Galindo.
Hào quang Mặt trăng có thể xuất hiện vào bất cứ mùa nào trong năm. Tần suất bắt gặp hiện tượng này phụ thuộc vào số lượng mây ti trong một khu vực nhất định. Tuy nhiên, để nhìn thấy hào quang, các tinh thể băng trong mây ti phải sắp xếp ở vị trí thích hợp so với mắt. Điều này nghĩa là mỗi người sẽ thấy ảo ảnh quang học theo một cách khác nhau.
Hào quang Mặt trăng thường hiện ra dưới dạng một quầng sáng trắng, đôi khi có màu giống như cầu vồng mờ. Quầng sáng tương tự cũng có thể xuất hiện quanh Mặt Trời, cơ chế hình thành hoàn toàn giống hào quang Mặt trăng.