Cặp vệ tinh định vị của châu Âu cất cánh

  •  
  • 338

Tên lửa đẩy Soyuz của Nga đưa hai vệ tinh đầu tiên trong hệ thống định vị toàn cầu của châu Âu lên quỹ đạo trái đất hôm qua.

>>> Vụ phóng vệ tinh của châu Âu bị hoãn

Vụ phóng diễn ra vào lúc 7h30 sáng qua theo giờ Guiana.
Vụ phóng diễn ra vào lúc 7h30 sáng qua theo giờ Guiana.

BBC cho biết, vụ phóng diễn ra tại sân bay vũ trụ của châu Âu ở Guiana – lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại Nam Mỹ - vào lúc 7h30 hôm qua. Trước đó vụ phóng bị hoãn do các kỹ sư phát hiện một van hở trong lúc đưa nhiên liệu vào tên lửa.

Đây là hai vệ tinh đầu tiên thuộc hệ thống định vị toàn cầu Galileo của châu Âu. Khối lượng của mỗi vệ tinh là 700kg. Tên lửa đẩy Soyuz của Nga sẽ đưa chúng lên độ cao hơn 23.000km.

Hệ thống định vị toàn cầu Galileo của châu Âu bao gồm 30 vệ tinh nhân tạo. Quá trình triển khai 28 vệ tinh còn lại có thể diễn ra trong gần một thập kỷ. Trong tương lai gần những người sử dụng dịch vụ định vị toàn cầu chưa thể nhận được bất kỳ lợi ích nào từ Galileo. Họ sẽ phải chờ tới năm 2014 hoặc 2015, khi Galileo cung cấp một số dịch vụ cơ bản.

So với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, hệ thống định vị toàn cầu Galileo của châu Âu được trang bị những đồng hồ nguyên tử có độ chính xác cao hơn. Đồng hồ nguyên tử được coi là “trái tim” của mọi hệ thống định vị vệ tinh. Về mặt lý thuyết, dữ liệu của Galileo sẽ chính xác hơn so với GPS. Sai số của GPS có thể lên tới 10m, trong khi sai số của Galileo sẽ chỉ từ một mét trở xuống.

Liên minh châu Âu kỳ vọng Galileo sẽ thống trị dịch vụ định vị toàn cầu trên thế giới nhờ khả năng định vị chính xác và đáng tin cậy hơn hệ thống định vị toàn cầu GPS. Các ứng dụng của nó sẽ rất rộng – từ việc giúp nông dân gieo hạt chính xác trên đồng ruộng cho tới xác định vị trí của nạn nhân trong các chiến dịch cứu hộ.

Theo Vnexpress
  • 338