Các nhà nghiên cứu cho rằng cây hoa sớm nhất thế giới được tìm thấy ở Trung Quốc, từng tồn tại cách đây hơn 160 triệu năm.
Các nhà khoa học tin rằng hóa thạch Euanthus có niên đại hơn 160 triệu năm. (Ảnh: SCMP)
Euanthus panii có phần đài hoa, cánh hoa và nhiều đặc điểm giống với nhiều hoa ngày nay, sắp xếp theo cấu trúc giống như hoa của các loài thực vật hạt kín. Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên Historical Biology, cây hoa có tên khoa học Euanthus panii có từ cách đây 162 triệu năm.
Hóa thạch Euanthuscó tất cả các cấu trúc điển hình của một bông hoa và được bảo quản trong các điều kiện hoàn hảo. Đây là một trong nhiều mẫu vật do nhà sưu tập Kwang Pan ở làng Tam Giác Thành, thuộc tỉnh Liêu Ninh, tập hợp từ những năm 1970.
Giáo sư Liu Zhongjian của Trung tâm Bảo tồn Lan Quốc gia, giáo sư Wan Xin thuộc Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh nhận định phát hiện này "cung cấp cái nhìn mới về sự tiến hóa của các loài hoa". Theo SCMP, nếu tuyên bố của họ đúng, Euanthus panii sẽ là cây hoa đầu tiên được tìm thấy từ kỷ Jura.
Trong hơn 100 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu từng tuyên bố phát hiện hoa có từ kỷ Jura, nhưng các mẫu vật đều không "vượt qua" các bài kiểm tra hay được chuyên gia công nhận. Callianthus dilae trước đó được coi là cây hoa sớm nhất, có từ kỷ Phấn trắng cách đây khoảng 125 triệu năm.
Mô phỏng cây hoa Euanthus panii. (Ảnh: SCMP)