Tại khu vực đổ nát của một ngôi làng cổ thời Maya thuộc Salvador, các nhà khảo cổ Mỹ đã phát hiện một ruộng khoai mì trong tình trạng nguyên vẹn dưới lớp tro núi lửa dày 3m.
Các khu vực trồng trọt ở Joya de Ceren được bảo vệ bởi lớp tro núi lửa dày 3m (Ảnh: Nouvelobs) |
Tháng 6 vừa qua, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Payson Sheets thuộc Trường Đại học Colorado (Mỹ) dẫn đầu đã dùng radar phối hợp với dụng cụ khoan để thăm dò vùng đất ở ngôi làng Joya de Ceren. Các nhà khảo cổ đã phát hiện vết tích của môt khu vực trồng trọt với những hàng và lỗ trồng cây. Bụi tro đã lấp các khoảng trống do cây bị phân hủy để lại.
Theo các nhà nghiên cứu, ruộng khoai mì có từ 1.400 năm này vừa được trồng lại thì núi lửa đã phun trào. Joya de Ceren được ví như thành Pompei của Italia bị chôn vùi bởi núi lửa. Năm 600 trước Công Nguyên, ngôi làng cổ thuộc châu Mỹ La-tinh này đã bị núi lửa Lomo Caldera phun trào và chôn vùi dưới một lớp tro dày đặc.
Ngôi làng đã được bảo vệ bởi lớp tro này và từ khi được phát hiện vào năm 1978, người ta đã tìm thấy khoảng một chục tòa nhà cùng với những kho thóc, vải và mái nhà bằng rơm. Tuy nhiên hài cốt người không được phát hiện.
Trận động đất xảy ra trước khi núi lửa phun trào có thể đã gây báo động, nhờ vậy dân làng kịp thời sơ tán, bỏ lại tất cả đằng sau.
V.S