Châu Á: Hướng tới hợp tác nghiên cứu vũ trụ

  •  
  • 101

Vệ tinh Vinasat do Việt Nam phóng lên vào đầu năm 2006

Tại hội nghị Vũ trụ châu Á vừa bế mạc tại Hà Nội, nhiều đại biểu đưa ra đề xuất thành lập một tổ chức nghiên cứu vũ trụ châu Á.

Tại hội nghị Vũ trụ châu Á lần thứ 2, bế mạc ngày 11/11 tại Hà Nội, hơn 100 nhà khoa học tới từ 20 nước châu Á và châu Âu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng vệ tinh trong phát triển kinh tế-xã hội và các thể chế, pháp luật trong hoạt động vũ trụ.

Các đại biểu đã trình bày gần 70 báo cáo khoa học liên quan tới vệ tinh, ứng dụng vệ tinh, cũng như các vấn đề về luật vũ trụ có liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của các nước khi sử dụng khoảng không vũ trụ.

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tới việc hợp tác phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ, khuyến khích giáo dục và đào tạo về vũ trụ, chuyển giao công nghệ và dữ liệu vũ trụ, ứng dụng công nghệ vũ trụ trong khu vực. Các đại biểu đã đưa ra đề xuất thành lập tổ chức nghiên cứu vũ trụ của châu Á nhằm thúc đẩy sự phát triển vũ trụ bền vững trong khu vực.

Mục tiêu của việc thành lập tổ chức nghiên cứu vũ trụ của châu Á là thúc đẩy thăm dò, sử dụng vũ trụ vào mục đích hòa bình, phổ biến lợi ích vũ trụ tới các quốc gia thành viên, đồng thời nâng cao sự hiểu biết về vũ trụ trong khu vực.

Ông Trần Công Duệ, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Khoa học và Công nghệ, để phát triển ngành công nghệ vũ trụ, một ngành khoa học còn rất mới mẻ tại Việt Nam, Việt Nam rất cần sự hợp tác về vũ trụ giữa các nước với nhau. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược về Công nghệ vũ trụ giai đoạn 2006-2020 nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

TTXVN

Theo VietNamNet
  • 101