Châu Âu sẽ chìm xuống phía dưới châu Phi

  •  
  • 2.364

Trong những năm tới loài người sẽ chứng kiến hiện tượng lục địa châu Phi đè lên lục địa châu Âu trong quá trình dịch chuyển.

Hai lục địa châu Âu và châu Phi đang dịch chuyển về phía nhau. Trong suốt vài triệu năm qua, rìa phía bắc của mảng địa tầng châu Phi đã chìm xuống phía dưới châu Âu.

Song quá trình này đã dừng lại. Trong hội thảo của Liên minh Địa lý châu Âu (EGU) tuần trước, các nhà khoa học khẳng định lần này đến lượt châu Âu chìm xuống bên dưới châu Phi, BBC đưa tin.

Bên dưới biển Địa Trung Hải, tầng đá đặc và lạnh ở rìa phía bắc mảng địa tầng châu Phi đã gần như chìm hẳn xuống bên dưới mảng địa tầng Á - Âu. Nhưng phần đất liền của châu Phi quá nhẹ nên chưa chìm xuống.

Châu Phi sẽ không chìm, nhưng nó và lục địa châu Âu đều tiếp tục di chuyển về phía nhau. Vậy lục địa nào sẽ trồi lên trên? Rất có thể trong một khoảng thời gian hợp lý, chúng ta sẽ chứng kiến châu Âu chìm xuống phía dưới châu Phi”, Rinus Wortel, một nhà khoa học của Đại học Utrecht tại Hà Lan, phát biểu.

Hiện tượng hai mảng địa tầng trượt vào nhau có thể gây nên những trận động đất giống như cơn địa chấn tại Nhật Bản hôm 11/3


Châu Âu (trên) và châu Phi (dưới) đang dịch chuyển về phía nhau. Ảnh: globe-images.net.

Các trận động đất tại biển Địa Trung Hải ít có khả năng gây sóng thần hơn so với những cơn địa chấn ở vành đai lửa Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những trận động đất có cường độ từ 8 độ Richter trở lên từng được ghi nhận. Chẳng hạn, năm 1303 một trận động đất tại đảo Crete của Hy Lạp đã gây nên sóng thần khiến hai thành phố Heraklion (Hy Lạp) và Alexandria (Ai Cập) bị tàn phá.

Giới khoa học lo ngại trước việc châu Âu sẽ chui xuống phía dưới Châu Phi, bởi các nước châu Âu đầu tư quá ít vào việc xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần tại cựu lục địa. Stefano Tinti, một nhà nghiên cứu của Đại học Bologna tại Italy, thông báo tổng số tiền mà Liên minh châu Âu đầu tư vào nghiên cứu sóng thần trong 5 năm qua chỉ khoảng 5 triệu euro. Trong cùng giai đoạn ấy, riêng nước Đức đã tài trợ cho Indonesia khoảng 55 triệu euro để xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sóng thần.

Các nước chỉ quan tâm tới hệ thống cảnh báo sóng thần sau thảm họa sóng thần châu Á năm 2004, sau đó mức độ quan tâm lại giảm”, giáo sư Tinti nhận xét.

Theo Vnexpress
  • 2.364