Giới khoa học bảo tồn đang kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để cứu loài voi, khi 62% số lượng voi rừng châu Phi đã mất đi trong thập kỷ qua.
Nghiên cứu mang tên "Sự suy giảm mang tính tàn phá của loài voi rừng ở miền trung châu Phi" thực hiện dựa trên số liệu lớn nhất về voi Trung Phi từ trước đến nay, theo thông báo phát đi hôm qua của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS).
Sự suy giảm ghi nhận ở khắp các khu vực sinh sống của voi rừng tại Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon và Cộng hoà Congo.
Ông Rostand Aba’a thuộc Ban quản lý vườn quốc gia Gabon và ông Marc Ella Akou thuộc WWF Gabon, hai đồng tác giả cho biết, họ đã điều tra ở cánh rừng Gabon trong hơn một thập kỷ và thấy xác voi ngày càng nhiều hơn.
Đầu tháng này, chính phủ Gabon tuyên bố mất gần 11.000 con voi rừng ở Vườn quốc gia Minkébé từ 2004 đến 2012, nơi có số lượng voi rừng lớn nhất châu Phi.
Các điều tra gần đây của Cộng hoà dân chủ Congo cho thấy số lượng voi giảm mạnh tại Khu bảo tồn động vật Okapi, nơi được coi là pháo đài cuối cùng của voi ở khu vực.
Theo tiến sĩ George Wittemyer thuộc tổ chức Cứu trợ voi và trường đại học bang Colorado, nghiên cứu cung cấp bằng chứng không thể tranh cãi về sự xuống dốc của một loài vật thông minh vào hàng bậc nhất trái đất. Thế giới phải thức tỉnh nhằm chấm dứt việc phá huỷ loài vật này chỉ để thoả mãn sự tiêu dùng.
Voi rừng châu Phi ngày càng ít chủ yếu do săn bắn. (Ảnh: worldwildlife.org)
Tiến sĩ Samantha Strindberg, thuộc WCS, một trong tác giả chính cho biết, phân tích tái khẳng định những gì giới bảo tồn vẫn sợ, đó là xu hướng tiến đến tuyệt chủng nhanh chóng có thể là trong thập kỷ tới của loài voi rừng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, gần một phần ba diện tích đất sinh sống của voi rừng châu Phi, nơi chúng có thể sống 10 năm trước đây trở nên quá nguy hiểm với voi. "Về mặt lịch sử, voi từng sinh sống khắp cánh rừng ở khu vực rộng lớn hơn 2 triệu km2, giờ đây co lại chỉ còn một phần tư", tác giả John Hart, Quỹ Lukuru nói.
"Mặc dù rừng vẫn còn, nhưng không có voi xuất hiện, điều đó cho thấy đây không phải là vấn đề về sự xuống cấp của sinh cảnh sống, nguyên nhân hầu như hoàn toàn do săn bắt", ông John Hart nói thêm.
Các kết quả cho thấy, voi ngày càng biến mất nhiều hơn ở những nơi có nhiều người sinh sống, nhiều công trình như đường xá, mức độ săn bắn cao và quản lý kém thể hiện bằng tham nhũng và thiếu thực thi luật.
Giới bảo tồn cho rằng, bắt buộc phải có hành động hiệu quả, nhanh chóng ở nhiều cấp độ để cứu được loài voi.
Tiến sĩ Fiona Maisels thuộc WCS cho rằng: "Để cứu loài voi đòi hỏi sự hiệp lực trên toàn cầu ở những nơi có chúng, dọc con đuờng buôn lậu ngà voi, tại nơi tiêu thụ ở các nước phía đông. Chúng ta không còn nhiều thời gian trước khi loài voi ra đi".
Theo tiến sỹ Stephen Blak, viện Max Planck, voi rừng cần hai thứ là không gian đủ sinh sống và sự bảo vệ.
"Các con đường không có bảo vệ, thường là dính líu tới khai thác gỗ hoặc các tài nguyên thiên nhiên khác, ngày càng lấn sâu vào khu vực tự nhiên và kéo theo cái chết của voi. Các khu vực lớn không có đường cần được duy trì, và con đường đang có cần lên kế họach bảo vệ loài hoang dã nếu muốn chúng còn sống", Stephen Blak phân tích.
Nhiều chuyên gia bảo tồn cho rằng, các nước cần cải thiện công tác quản lý nhập khẩu, bán sản phẩm từ động vật hoang dã tại các nước tiếp nhận và trung chuyển ngà voi trái phép, đặc biệt châu Á.
Nghiên cứu lớn nhất về voi rừng châu Phi có sự tham gia của hơn 60 nhà khoa học từ năm 2002 đến 2011; đây là nỗ lực lớn của các nhân viên bảo tồn với 91.600 ngày công điều tra về voi tại 5 quốc gia là Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon và Cộng hoà Congo, đi hơn 13.000 cây số và ghi lại hơn 11.000 mẫu để phân tích.
Kết quả nghiên cứu trên đưa ra khi 178 nước đang tập trung tại Bangkok, Thái Lan bàn thảo về các vấn đề buôn bán động vật hoang dã, trong đó có săn bắt trái phép và buôn lậu ngà voi.