Chế tạo robot: Đi thẳng vào nhu cầu doanh nghiệp

  •  
  • 781

Trong căn phòng nhỏ ở Xưởng thực nghiệm, Khoa Cơ khí - ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, PGS, TS Lê Hoài Quốc đang cùng các cộng sự thiết kế, chế tạo robot theo yêu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp. Đây là một phần trong Chương trình chế tạo robot do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh khởi xướng.

TS Lê Hoài Quốc
 
Tại đây, PGS - TS Lê Hoài Quốc đang cùng các cộng sự thiết kế, chế tạo robot theo yêu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp. Đó là các loại robot như tay máy lấy nhựa tự động (dùng trong ngành nhựa); robot hàn tự động (dùng trong nhiều ngành sản xuất khác nhau như các nhà máy đóng tàu…).

TS Lê Hoài Quốc cho biết, vào cuối tháng 12-2005, đã có hai robot tay máy nhựa được giao cho doanh nghiệp Tân Kỷ Nguyên để bán cho Canon. Hiện đang có một số doanh nghiệp như VINASHIN; Trung tâm Cơ khí chính xác IMI đặt hàng thêm bốn robot và tất cả đang trong vòng thương thảo.

Trên đây là một phần trong Chương trình chế tạo robot do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh khởi xướng. Tham gia cùng với sở là các đơn vị nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp. Chương trình đã được triển khai từ đầu năm 2005. Mục tiêu của Chương trình là thiết kế, chế tạo robot để chuyển giao cho doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía nam.

Theo Dự án chế tạo robot công nghiệp của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu trang bị robot trong doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất là rất lớn.

Trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng, cả nước hiện có khoảng 500 dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ cũ với một số công đoạn thủ công như cấp than cho lò. Công nhân làm việc ở công đoạn này phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, chỉ làm việc được độ 15 năm là phải nghỉ hưu và ít người sống được 10 năm sau nghỉ hưu.

Trong lĩnh vực cơ khí và luyện kim, công đoạn đúc kim loại (khâu rót kim loại và tháo dỡ khuôn) là công đoạn có nhu cầu cao về sử dụng robot do môi trường làm việc nặng nhọc, dễ gây tai nạn do bỏng và bụi bẩn.

Trong công nghiệp nhựa, nhiều doanh nghiệp nhựa phải nhập tay máy lấy sản phẩm nhựa (một loại robot), có loại phải nhập với giá hàng trăm nghìn USD.

Tay máy lấy phôi nhựa PET theo phương đứng.
Tay máy lấy phôi nhựa PET theo phương đứng. (Ảnh: TS Hoài Quốc)
Trước tình hình trên, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã thăm dò nhu cầu về robot của các doanh nghiệp trong nước. Qua thăm dò, nhiều đơn vị như Tổng công ty Thủy tinh - Gốm xây dựng - VIGLACERA, công ty kính nổi VIFG (Khu sản xuất Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương); Công ty SAMCO; Công ty đóng tàu Nhà Bè; Công ty nhựa Đô Thành... đều có nhu cầu về robot. Đó là các loại robot như bốc dỡ, vận chuyển sản phẩm; hàn vỏ bình chịu áp lực; sửa chữa ô tô; hàn vỏ tàu... Đặc biệt, có đơn vị như Trung đoàn cơ động 113 có nhu cầu về một loại robot di động điều khiển từ xa để phục vụ cho việc bảo vệ an ninh, kiểm tra bên ngoài và bên trong các địa điểm nghi vấn.

Chương trình robot TP Hồ Chí Minh được hình thành từ nhu cầu thực tế trên

Chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Khoa học và Công nghệ (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh); Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về điều khiển số và kỹ thuật hệ thống thuộc ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Triển khai công nghệ mới NEPTECH; Trung tâm Kiểm định - Đo lường Chất lượng Khu vực II, Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng.

Theo PGS, TS Phan Minh Tân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh thì giá robot do trong nước chế tạo sẽ rẻ hơn từ 20-30% so với robot ngoại.

Trong thực tế, ngay sau khi Chương trình được triển khai, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất là Công ty Tân Kỷ Nguyên (17, Phan Phú Tiên, quận 5, TP Hồ Chí Minh) đã đặt hàng một lúc bảy tay máy robot gắp sản phẩm nhựa cho máy ép phun nhựa với tổng trị giá hơn 56.00USD.

Hiện tại, theo TS Lê Hoài Quốc, để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp, điều cần thiết là cần phải thành lập một xưởng chính quy. Trước nay, việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot đều đặt tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về điều khiển số và kỹ thuật hệ thống thuộc ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

TS Lê Hoài Quốc nói, nếu có một xưởng chính quy, giá robot có thể giảm hơn nữa do chế tạo với số lượng lớn, thân máy không phải hàn từng cái một như hiện nay mà có thể đúc. Thân máy đúc bằng hợp kim nhôm vừa làm cho giá thành rẻ, vừa làm cho máy nhẹ, dễ vận chuyển hơn.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức UNECE thuộc Liên đoàn robot quốc tế, hiện nay trên thế giới có khoảng 770.000 robot đang được sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong số đó, 350.000 (chiếm 45,5%) ở Nhật Bản, 233.000 (chiếm 30,3%) ở EU và khoảng 14.000 (chiếm 13,5%) ở Bắc Mỹ. Ở châu Âu CHLB Đức dẫn đầu với 105.000 robot, tiếp theo là Italy (47.000), Pháp (24.000), Tây Ban Nha (18.000) và Anh (14.000).

Trong khoảng thời gian suy thoái kinh tế gần đây nhất (1997 - 2002), thị trường robot giảm trung bình 12 - 16%/năm. Tuy nhiên, nhìn chung mức độ suy giảm trong đầu tư so với các sản phẩm công nghệ cao khác vẫn còn khả quan hơn đáng kể.

Doanh số đặt hàng robot công nghiệp của hầu hết các hãng lớn nhất thế giới thì doanh số toàn cầu của năm 2003 tăng 26% so với cùng kỳ năm 2002. Xu thế trong giai đoạn 2003 -2006 mức tăng trưởng về doanh số trên sản phẩm robot nói chung được dự báo: Bắc Mỹ tăng 35%, châu Âu tăng 25%, châu Á tăng 18%, còn các khu vực khác tăng 18%.

Theo Nhân dân, Khoa học và Phát triển
  • 781