Chi chít thủy điện miền Trung: Trách nhiệm thuộc về địa phương?

  •  
  • 1.098

Thủy điện chi chít, môi trường bị ảnh hưởng - thực tế này được ông Tạ Văn Hường, vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công thương, công nhận. Theo ông Hường, việc thẩm định và cấp phép các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại miền Trung trong thời gian qua thuộc quyền của chính các địa phương. 

Ông Hường nói:

- Rất nhiều doanh nghiệp muốn phát triển thủy điện vì đây là loại hình kinh doanh rất có lãi. Hiện có nhiều thủy điện nhỏ công suất chỉ 2-3 MW được xây dựng, thậm chí có thủy điện công suất rất nhỏ, chỉ dưới 1MW. Chúng ta đã có nghị định phân cấp cho các địa phương được quyết các dự án thủy điện nhỏ (từ nhóm B trở xuống).

Ông Tạ Văn Hường


Bộ Công thương chỉ duyệt các công trình lớn, trọng điểm quốc gia (thuộc nhóm A). Theo quy định, tất cả thủy điện phải có quy hoạch mới được làm, nhiệm vụ của Bộ Công thương chỉ là kiểm soát quy hoạch đó.

* Có dòng sông ở miền Trung phải “cõng” gần chục thủy điện, như vậy có đúng quy hoạch của Bộ Công thương?

- Thủy điện ở miền Trung thời gian qua phát triển nhiều vì các dòng sông ở đây có độ dốc rất cao. Làm nhiều hồ gần nhau mục đích đơn giản để khai thác hết hiệu năng của dòng sông. Nếu làm một hồ rất lớn thì số lượng thủy điện giảm nhưng sẽ gây ngập lụt trên diện rộng vì lòng hồ yêu cầu rất to...

Là thủy điện đương nhiên phải có hồ, nghĩa là có ngập lụt, di chuyển dân, rừng có thể phải khai thác để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cho nên mới phải làm quy hoạch, đánh giá tác động môi trường chặt chẽ. Quy trình rất nghiêm. Nhưng trong quá trình làm thì nhiều nơi làm tốt, đúng quy định, có nơi làm chưa tốt, dân phàn nàn.

Còn nói chung, xây dựng thủy điện, kể cả thủy điện nhỏ cho đến thời điểm này vẫn thuận lợi hơn xây dựng các loại nhà máy điện như than, gió, dầu, hạt nhân.

* Thưa ông, không ít chuyên gia cho rằng nhiều dự án thủy điện hiện nay vượt quá tầm thẩm định của các địa phương?

- Theo tôi, đến nay việc thẩm định các dự án thủy điện, nếu nhiều quá cũng có thể vượt khả năng của nhiều địa phương. Dù nghị định của Chính phủ đã giao cho địa phương thẩm định, cấp phép nhưng với các dự án nào địa phương cảm thấy quá sức, chúng tôi đã để ngỏ khả năng yêu cầu Bộ Công thương trợ giúp.

Thật ra ít có địa phương yêu cầu. Và khi không yêu cầu thì việc thẩm định và cấp phép sẽ là quyền của họ, họ phải chịu trách nhiệm về những dự án này.

* Ông nói có nơi làm thủy điện tốt và đúng quy định, có nơi làm không tốt nhưng tất cả đều phải qua Bộ Công thương ở khâu quy hoạch? Vậy công tác rà soát, kiểm tra của bộ, cụ thể là Vụ Năng lượng đã làm ra sao?

- Chúng tôi không duyệt dự án, không duyệt thiết kế nhưng quy hoạch chúng tôi có thỏa thuận với các địa phương. Theo nghị định về đầu tư xây dựng thì dự án thủy điện nhóm B trở xuống được địa phương, cụ thể là các sở công thương làm. Cũng có cái do yêu cầu đặc biệt nào đó Bộ Công thương mới có những can thiệp nhất định.

Còn lại, trách nhiệm thuộc về các địa phương, họ phải thực hiện được các yêu cầu về thẩm định thiết kế và đánh giá tác động môi trường của thủy điện. Việc kiểm tra đúng là của trung ương và nên làm. Nhưng thời gian qua ở Vụ Năng lượng việc nhiều quá nên đa số chúng tôi phải dựa trên báo cáo của các địa phương gửi về là chính, còn tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực tế cũng có làm nhưng rất hạn chế.

* Nhưng dư luận cho rằng nhiều thủy điện đang xây vốn không nằm trong quy hoạch có sẵn?

- Đề xuất quy hoạch thường phải do chính các địa phương, thậm chí là do các nhà đầu tư kiến nghị. Thực tế cho thấy làm quy hoạch chúng ta không thể nắm rõ, tính được từng li từng tí khả năng của dòng sông và khảo sát được tất cả các đoạn sông. Nhiều đoạn sông đi ngang trong rừng thì khảo sát rất hạn chế. Nên khi có phát hiện vấn đề gì, tinh thần là chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý hơn. Phê duyệt quy hoạch và hiệu chỉnh là việc bình thường. 

Các đơn vị thi công khẩn trương đổ bêtông tại hạng mục đập dâng nước của công trình thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Đ.NAM


* Nhưng nhiều nơi chủ đầu tư làm thủy điện không tính đến môi trường, thậm chí có mục đích khai thác gỗ rất rõ...

- Các quy hoạch, bổ sung quy hoạch, theo nguyên lý chỉ được phê duyệt khi lợi ích lớn hơn thiệt hại. Trên cơ sở quy hoạch, chúng ta phải tính toán khi có nhà máy này thì cho xây đập bao nhiêu, trữ bao nhiêu nước, cơ chế vận hành thế nào để lợi ích cao nhất và khả năng gây tổn hại đến môi trường thấp nhất. Còn nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù tất cả những thiệt hại do dự án thủy điện gây ra. Đôi khi cũng có dự án được phê duyệt rồi nhưng nhà đầu tư thấy không hiệu quả nên không làm nữa.

* Có không phong trào làm thủy điện vì nó đem lại lợi nhuận rất lớn?

- Có. Đấy cũng là một khía cạnh tích cực. Bộ Công thương đã huy động mọi thành phần kinh tế tham gia làm thủy điện vừa và nhỏ. Các nhà máy thủy điện có thể gây ảnh hưởng môi trường nhưng cũng phải nhìn khách quan, nếu ta không xây thủy điện mà làm nhiệt điện thì ảnh hưởng môi trường của nhà máy nhiệt điện liệu có nhỏ hơn không?

Theo tôi, không nên để nước cứ thế đổ ra biển trong khi chúng ta có thể khai thác. Vấn đề là khâu thẩm định, đánh giá tác động môi trường phải làm thật chặt chẽ, làm sao ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhân dân thấp nhất.

* Ông nói phải làm sao để quản lý cho tốt, nghĩa là việc quản lý hiện nay đang còn nhiều vấn đề?

- Tất nhiên là còn một số vấn đề. Công tác đền bù, tái định cư cho dân đôi chỗ vẫn bị kêu. Một số nơi lập quy trình vận hành hồ chứa chưa thấu đáo, trong quá trình vận hành mới phát hiện và phải bổ sung, điều chỉnh.

Khi thực hiện chúng ta mới thấy những lỗ hổng để lấp lại chứ ngay ban đầu khó ai có thể nghĩ được ra một quy định hoàn hảo. Chúng ta đã tính toán khi làm thủy điện chỉ có thể tốt hơn cho hạ lưu.

Nghĩa là khi phải xả lũ, mức xả cao nhất chỉ được phép bằng với lượng nước lũ đang chảy về, giống như không có cái hồ thủy điện ở đấy, không được dồn thêm. Nếu chủ đầu tư nào xả mức lớn hơn mức nước lũ tràn về thì phải xem xét anh có cố tình giữ nước để tăng phát điện, tăng doanh thu, đến khi không thể không xả thì anh xả ồ ạt, gây ảnh hưởng cho hạ lưu. Những điều này đã có quy trình vận hành hồ chứa. Muốn xem chủ đầu tư có làm đúng không thì xem trong quy trình vận hành hồ sẽ thấy ngay.

Quảng Nam rất “thấm thía” với thủy điện

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh cho rằng qua trận lũ vừa rồi, đặc biệt là qua việc xả lũ của thủy điện A Vương, tỉnh Quảng Nam đã rất “thấm thía”. Vậy nên sắp tới tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành về việc hoàn tất quy trình nghiêm ngặt việc xả lũ của các thủy điện, trước mắt là các thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 và Sông Bung 4.

Quan điểm của địa phương là không nên phát triển thủy điện một cách ồ ạt mà phải có quy hoạch. Nếu như Hội đồng thẩm định quốc gia quyết định cho phép đầu tư nhưng tỉnh xét thấy dự án không an toàn cho cả thượng lưu lẫn hạ lưu, đặc biệt là vấn đề dân sinh thì địa phương vẫn kiến nghị lên Chính phủ chấm dứt dự án.

Theo ông Lê Minh Ánh, “nếu chủ đầu tư nào không trồng lại rừng như cam kết trước đó thì tỉnh sẽ thu số tiền này để dân trồng lại rừng”. Ông Ánh cũng nói đến nay vẫn chưa có một chủ đầu tư dự án thủy điện nào ở Quảng Nam bắt tay vào việc tái tạo rừng, kể cả những công trình đã đi vào vận hành phát điện như thủy điện A Vương.

Theo Tuổi Trẻ
  • 1.098