Chiến binh kiến

  •   32
  • 1.742

Trong tiếng Nhật, chữ “con kiến” được ghép bởi hai từ "côn trùng" và "trung kiên". Với lòng vị tha và tinh thần đoàn kết, bầy đàn kiến luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đồng loại của mình khi bị tấn công. Nhà nghiên cứu sinh vật học Edward O. Wilson, người đã dành cả cuộc đời mình để quan sát cuộc sống của loài kiến đưa ta khám phá thế giới sống của loài sinh vật đặc biệt này.

Ection burchellii và Ection hamatum là hai nhóm kiến luôn luôn đối đầu nhau

Ection burchelliiEction hamatum là hai nhóm kiến luôn luôn đối đầu nhau. Tuy có thân hình vạm vỡ hơn nhưng loài Ection burchellii luôn bị Ection hamatum lấn chiếm bởi vì con cháu nhà Ection burchellii ít hơn nhà Ection hamatum. Hai nhóm kiến này luôn sẵn sàng đánh nhau bất cứ khi nào chúng đụng mặt nhau để rồi sau đó lại rút lui bất phân thắng bại hẹn lần sau... đánh tiếp. Điều đặc biệt là tuy chiến đấu ác liệt với nhau nhưng chúng không bao giờ tàn sát nhau. Nhưng bạn đừng thấy thế mà vội mừng nhé, những chú chiến binh này có thể giết chết những con vật khác có kích thước lớn gấp mấy ngàn lần chúng đấy. Bởi thế nên mới có câu ngạn ngữ: "Kiến giết voi"! (Ảnh: nationalgeographic)

Với khoảng 10.000 tỉ "dân" trên khắp thế giới, loài kiến có mặt ở mọi nơi chỉ trừ trên đỉnh núi băng và hai miền băng cực. Cho dù ở bất cứ nơi nào, từ sâu trong lòng đất hay trên ngọn cây cao, chúng đều sống như một vị thủ lĩnh của các loài côn trùng. Mặc dù chỉ có 12.000 nhóm, chiếm khoảng 1,4 % trong thế giới của côn trùng nhưng sự hợp sức của chúng có thể tạo ra sức mạnh hơn gấp mấy ngàn lần trọng lượng của chúng.

Edward O. Wilson nói: Loài kiến luôn kích thích sự tò mò của tôi. Khi còn là một chú bé 13 tuổi sống ở Washington, tôi đã rất hứng thú với những câu chuyện kể của Fank Buck và thường mơ về những cuộc phiêu lưu khám phá đời sống hoang dã của các loài động vật. Khi đó, tôi quyết định thực hiện chuyến "thám hiểm" của mình trên "cánh rừng nhiệt đới" tại công viên Rock Creek...

Không hề biết sợ bất kỳ ai, cho dù đó là chúa tể sơn lâm, cọp, gấu hay các loài động vật hung hăng khác, đội quân kiến này sẽ làm bạn kinh ngạc đến toát mồ hôi nếu bạn chứng kiến "cuộc chiến" của chúng. Với chiếc càng bén nhọn, những chú chiến binh này hoàn toàn có thể "xơi tái" các đối thủ lớn hơn mình rất nhiều. Còn đối với nhện hay bò cạp thì các chú có thể "làm thịt" một ngày khoảng 10.000 tên. Tuy nhiên, chúng lại có một nhược điểm rất lớn, đó là không có sự tinh thông như các loài động vật khác. Sở dĩ E.burchellii được mệnh danh là loài chiến binh bởi vì chúng rất đông, khoảng từ 300.000 đến 700.000 con. Chúng rất cơ động, luôn di chuyển từ tổ này sang tổ khác. Mỗi chú kiến đều không có nét đặc trưng riêng, đặc điểm duy nhất để phân biệt được dòng họ nhà chúng là những kế hoạch săn mồi rất kinh hoàng. Các giống kiến khác thì tự mỗi bản thân cá nhân đi tìm thức ăn một mình hoặc sử dụng những chú lính trinh thám để phát hiện miếng mồi rồi mới phát tín hiệu cho các thành viên khác tới mang miếng mồi về tổ. Nhưng E.burchellii thì hoàn toàn khác, chúng sẽ áp đảo bất kỳ con vật nào vô tình hay cố ý chắn ngang đường đi của chúng và nếu thấy con mồi đó "hợp khẩu vị" thì chúng sẽ "xơi" ngay hoặc tha về tổ để dành. Điều đáng nói là các chú kiến này không thấy đường, chúng hoàn toàn không thấy gì ở phía trước chỉ biết nếu bị cản đường là phải tấn công để vượt qua. Chúng có thể giết chết nhưng không ăn thịt các con thằn lằn, rắn hay nhái cóc nếu như những con vật xấu số này rơi vào "hàng ngũ" của chúng. Chiến lược tấn công của chúng là "ỷ đông hiếp cô". Bạn cứ hãy tưởng tượng 200.000 con kiến sẽ lấp đầy một cái sân rộng 13m2 như thế nào.

Bằng cách kết nối với nhau, các chú chiến binh Ection burchellii lấy chính bản thân mình để làm vật liệu xây tổ và cái tổ này rất kiên cố không thua kém gì một doanh trại. Riêng đối với các chiến binh lang thang ngày đây mai đó thì chúng không xây tổ theo kiểu cấu trúc cố định đó mà lại dựng "bản doanh" bên trong các khúc gỗ mục hoặc trên các nhánh cây.

Chiến hào kiến: Khi ấu trùng được sinh ra, loài kiến sẽ đóng quân tại một nơi nào đó trong vòng 20 ngày để chờ cho ấu trùng phát triển thành nhộng. Một lần kiến chúa có thể sinh được 300.000 trứng. Và khi đó các chú kiến triển khai hàng rào bảo vệ để tránh sự tấn công của kẻ khác. Khi các chú lính thợ lột xác khỏi những cái kén thì ngay lập tức, chúng liên kết thành một lớp rào chắn mới bảo vệ cho các trứng kiến vừa mới sinh và các ấu trùng vừa mới nở. Trong vòng hai đến ba tuần kế tiếp, kiến sẽ sinh sôi vô số kể và xây đắp thành luỹ khắp nơi trong suốt quãng đường mà chúng đi qua.

Bộ máy tổ chức: Đã trở thành truyền thống, nhóm E.burchellii lang thang và nhóm sống cố định luân phiên nhau "cai trị" thần dân của mình. Và khi người kế vị thuộc nhóm lang thang thì ngay từ khi còn là một con nhộng, vị ấu chúa này sẽ được các chiến binh đưa về "đại bản doanh" cho dù vị ấy đang ở bất kỳ nơi nào. Trong bộ máy tổ chức của chúng, chỉ có 4 loại kiến thợ có đủ điều kiện về "thể lực" để lãnh trọng trách chăm sóc và bảo vệ kiến chúa. Và trong 4 loại này lại có một sự phân cấp rõ ràng: 3 loại có kích thước nhỏ hơn có nhiệm vụ đi kiếm mồi về nuôi kiến chúa và ấu trùng. Cho dù là sĩ quan hay là lính thợ thì tất cả cũng đều phải tuân theo một kỷ luật nhất định. Các chú lính thợ chỉ có thể sống vài tháng nhưng còn kiến chúa thì có thể sống tới vài năm. Kiến chúa sẽ tuyên bố "truyền ngôi" trước khi ấu chúa được sinh ra đời và thông điệp này sẽ được thông báo khắp nơi cho các "thần dân" kiến được biết.

Chiến binh đẳng cấp "pro": Chiến đấu với kẻ thù là sở trường của các chiến binh E.burchellii. Vũ khí lợi hại của chúng là những cái càng lớn quá khổ, vừa nhọn vừa bén như trong hình. Tuy nhiên, chúng không phải là loài hiếu chiến chuyên đi gây sự. Chúng chỉ tấn công những ai làm chúng "bực mình". Các bộ tộc trong rừng rậm Amazon dùng những chất nhờn được tiết ra từ những chú chiến binh này để chữa các vết thương trên cơ thể do bị côn trùng cắn đốt.

 

"Mọi người vì một người, một người vì mọi người": Các chú kiến đang "làm vệ sinh" cho nhau. Chúng "lau chùi" các vết bẩn dính trên người của bạn mình và ngược lại. Các chú kiến thợ tiết ra một chất dịch để đánh dấu cho các con khác biết đường về tổ. Từ con đường mòn được đánh dấu đó, các chú kiến khác tha thức ăn về chất đầy trong tổ. Những chú khác lại làm nhiệm vụ bảo trì con đường đó, dọn dẹp các mảnh vụn, các mẩu đất đá chắn ngang... Còn các chú E.burchellii lang thang thì không có được sự ổn định đó. Đối với chúng mỗi ngày là một địa hình mới với những con đường mới.

Đối với thiên nhiên, loài kiến có những tác động quan trọng đối với môi trường. Chúng có một lối sống rất kỳ lạ không giống như bất kỳ loài vật nào trên hành tinh này. Chúng duy trì chế độ "nữ quyền" từ đời này sang đời khác: kiến chúa làm nhiệm vụ sinh sản, "sản xuất" ra những chú kiến thợ quản lý toàn bộ những chú kiến khác. Kiến đực được gây giống và nuôi dưỡng trong một thời gian ngắn để chờ đến ngày "giúp" kiến chúa thụ tinh. Hệ thống thông tin liên lạc của loài kiến hoàn toàn phi ngôn ngữ. Phương tiện liên lạc của chúng chủ yếu dựa vào các pheromones và các chất dịch tiết ra từ mỗi cơ thể hay là cách đánh hơi theo mùi của tổ. Bộ não của kiến nhẹ hơn một phần tỉ bộ não của con người do đó không có gì phải ngạc nhiên khi "mục kích" một chú kiến và đếm được chú ấy chỉ có thể đưa ra từ 10 - 20 động tác. Không giống như ngôn ngữ của con người, mọi giao tiếp của chúng đều dựa vào bản năng.

Loài sinh vật bé nhỏ tuyệt vời này có mặt trên trái đất hơn 140 tỉ năm. Có một bộ máy tổ chức phức tạp trong thế giới của chúng, giống như những người chiến binh và những người thợ xây. Kiến dễ dàng sống lâu hơn khủng long và thậm chí là lâu hơn loài người.

Mỹ Dung 

Theo National Geographic, SGTT
  • 32
  • 1.742