Chim nhại có thể nhận ra một khuôn mặt giữa đám đông

  •  
  • 836

Những con chim đang theo dõi. Chúng biết bạn là ai. Và chúng sẽ tấn công.

Không phải trong phim! Đây là một thực tế khoa học!

Các nhà sinh học thuộc đại học California báo cáo rằng những con chim nhại (mockingbird) có thể nhận diện và nhớ mặt những người được cho là đã đe dọa tổ của chúng. Khi loài chim trắng xám sống phổ biến ở khắp các thành thị Đông Nam này nhận ra những vị khách không mời tiến đến cạnh tổ chúng, chúng sẽ kêu rít lên, bổ nhào xuống và thậm chí cào vào đầu vị khách nọ. Trong khi đó, chúng hoàn toàn bỏ qua những người khác đi ngang qua hay đứng gần người đó.

“Chúng ta có xu hướng coi tất cả các con chim nhại là như nhau, nhưng thực ra cảm giác của chúng không hề giống nhau,” Doug Levey, một giảng viên sinh học tại trường UF cho biết. “Những con chim nhại tất nhiên không coi người nào cũng như người nào.”

Nghiên cứu được miêu tả chi tiết trong một bài viết được công bố trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences trực tuyến.

Nghiên cứu này chỉ rõ rằng các loài động vật hoang dã sống trong môi trường tự nhiên có khả năng nhận ra những cá thể riêng biệt của loài khác, Levey nói. Đây có thể là lời giải đáp cho câu hỏi tại sao chim nhại và một số loài chim cũng như các động vật khác có cuộc sống sung túc ở những thành phố và vùng ngoại ô đông dân cư – trong khi các loài khác hoàn toàn không tồn tại, hoặc chỉ sống rải rác ở những nơi này.

“Câu hỏi lớn trong nghiên cứu hệ sinh thái đô thị là vì sao một số loài động vật sinh trưởng và phát triển mạnh ngay bên cạnh con người,” Levey nói. “Một giả thuyết được đặt ra là chúng có khả năng bẩm sinh để đổi mới và thích nghi theo những cách mà các loài còn lại không làm được.”

Chim nhại là một trong những loài chim phổ biến sống tại khu kí túc xá đại học Florida ở Gainesville, nơi chúng làm tổ trên cây và trong các bụi rậm sát mặt đất. Trong nghiên cứu, các tình nguyện viên bước tới gần các tổ chim, luồn tay qua tán lá và chạm nhẹ vào thành tổ, rồi bước đi. Ba ngày sau đó, những người này lặp lại y nguyên hành động của mình trên chính tổ chim họ chạm ngày đầu tiên. Đến ngày thứ 5, các tình nguyện viên khác đổi phiên. Tổng cộng có 10 tình nguyện viên thử nghiệm trên 24 chiếc tổ, ít nhất 5 lần trên mỗi chiếc trong suốt mùa hè và mùa xuân vừa rồi, tức mùa làm tổ của chim nhại.

Một con chim nhại đang cố cào đầu Devon Duffy, sinh viên khoa sinh tại đại học Florida với mục đích đuổi cô ra xa khỏi tổ nó tại khu kí túc trường đại học hôm 19/4/2009. Có vẻ như con chim nhận ra cô chính là người đã đe dọa sự an toàn của chiếc tổ trong những lần trước đó. Các tình nguyện viên sinh viên đã tiếp cận và chạm và các tổ chim nhại trong một nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chim nhại nhận ra, ghi nhớ và phản ứng lại với những người chúng cho là mối đe dọa trong khi hoàn toàn bỏ qua những người khác đi ngang qua hoặc ở gần khu vực tổ. (Ảnh: Lou Guillette/ Đại học Florida)

Vào ngày thứ 3 và thứ 4 của cuộc thử nghiệm, các con chim nhanh chóng bay ào từ tổ của chúng mỗi khi tình nguyện viên quen thuộc xuất hiện, mặc dù họ đã đi đến tổ chim từ hướng khác ngày hôm trước và tất nhiên trang phục cũng đã khác. Càng về các ngày sau chúng bay ra càng nhanh hơn và phát ra nhiều âm thanh cảnh báo hơn. Thậm chí một vài con hiếu chiến còn cào xước da đầu “kẻ phá hoại”, vết cào không thật sự nguy hiểm, nhưng gây khó chịu, vì các con chim này có xu hướng ngày nào cũng cào vào đúng một vị trí trên da đầu, Levey cho biết.

Tuy nhiên, vào ngày thứ 5, khi những sinh viên khác tiếp cận các tổ, lũ chim hầu như không hề động cánh cho tới khi chúng vụt bay ào ra vào phút cuối. Chúng cũng phát ra ít âm thanh cảnh cáo và ít tấn công hơn so với những ngày trước.

Ở một khu kí túc với hơn 51.000 sinh viên, đường đi lúc nào cũng đông nghịt sinh viên qua lại mỗi ngày, thì có tới hàng ngàn người khác nhau xuất hiện trong bán kính vài feet quanh các tổ chim trong suốt mùa sinh nở.

Tuy nhiên, các con chim nhại trong nghiên cứu này rõ ràng là có khả năng nhận diện và ghi nhớ những cá nhân riêng lẻ, dựa vào đặc điểm là hai lần tiếp cận tổ chúng. Levey nói điều này rất khác biệt so với các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, ở đó những con chim bồ câu chỉ có thể nhận ra con người sau một thời gian dài được huấn luyện. “Chỉ cần 60 giây bạn xuất hiện là những con chim nhại đã có thể nhận dạng và phân biệt được bạn giữa những sinh viên khác trong khu kí túc,” Levey cho biết.

Đối với hầu hết các loài động vật hoang dã, sự phát triển đô thị cướp đi môi trường sống và mang lại nhiều kẻ thù. Rất nhiều loài đã bỏ đi hoặc dần bị diệt vong, nhưng một số loài vẫn tồn tại, thậm chí một vài trong số đó còn phát triển thịnh vượng. Rõ ràng là những loài như vậy thích nghi tốt hơn với môi trường sống có con người. Lí do vì sao?

Rất ít người quấy rầy tổ chim nhại, cho nên điều đó khó có thể là câu trả lời. Thực tế, theo Levey, khả năng nhận ra con người cho thấy năng lực nhận biết của loài chim này đã giúp chúng đối phó được với môi trường đô thị phức tạp - ví dụ như khả năng phán đoán được con mèo nào nào có thể nhận ra tổ chim, và con nào chỉ đơn thuần đi ngang qua khu vực tổ.

“Chúng tôi không tin rằng loài chim nhại đã tiến hóa tới khả năng phân biệt từng cá thể riêng lẻ trong loài người. Chim nhại và người chưa chung sống đủ lâu để chúng làm được điều này.” Levey giải thích. “Chúng tôi chỉ cho rằng, các thí nghiệm trên đã tiết lộ khả năng tiềm ẩn khó tin của loài chim nhại, đó là khả năng nhận thức được mọi thứ xung quanh và phản ứng lại hợp lí khi nguy hiểm tới gần.”

Tài liệu tham khảo:
Levey et al. Urban mockingbirds quickly learn to identify individual humans. Proceedings of the National Academy of Sciences, 2009; DOI: 10.1073/pnas.0811827106

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 836