Một con chim oanh bạch tạng buộc phải sống đơn độc nhiều năm do không có phần ức màu đỏ đặc trưng giúp chim đực nhận ra bạn tình tiềm năng.
Nhà côn trùng học kiêm chuyên gia quan sát các loài chim John Walters ở Devon, Anh, theo dõi con chim oanh bạch tạng từ năm 2016 và cho biết nó không có bạn tình trong suốt thời gian đó. Theo Walters, những con chim đực có thể không chú ý tới nó do phần ức màu trắng khác biệt.
Chim oanh bạch tạng hiếm gặp. (Ảnh: SWNS).
Con chim đặc biệt sống quanh làng Bridford thuộc hạt Devon, trắng muốt từ mỏ tới đuôi. Màu sắc đặc biệt này do đột biến di truyền gây ra, khiến chim oanh bạch tạng trở nên rất hiếm ở những nơi khác trên thế giới. Walters chia sẻ ông may mắn phát hiện 4 con chim như vậy, bao gồm con chim ở Bridford, hai con sống ven đường mòn Tarka và một con ở Lelant, Cornwall.
"Thời điểm này trong năm là lúc chim đực tán tỉnh bạn tình và chim cái đẻ trứng. Nhưng dường như con chim oanh bạch tạng cái lại khác. Chim oanh thường chỉ sống được một năm do việc sinh sản quá áp lực với chúng. Tuy nhiên, chim oanh bạch tạng không ghép đôi. Đó có thể là lý do nó sống lâu như vậy", Walters nói.
Bạch tạng là hội chứng do đột biến gene dẫn tới thiếu sắc tố, kết quả từ việc kế thừa gene lỗi từ bố mẹ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melanin. Hội chứng này tạo ra màu trắng ở da, lông và mắt, tùy theo từng loài.
Chim oanh là loài chim sẻ nhỏ chuyên ăn côn trùng, dài khoảng 12,5 - 14 cm, sinh sống ở khắp châu Âu. Chim đực và cái có màu sắc giống nhau với phần ức màu đỏ, viền xám quanh mặt, lưng màu nâu và bụng màu trắng. Chúng có thể làm tổ ở nhiều nơi như khe hốc tự nhiên hoặc bất kỳ đồ vật nào của con người. Chim cái đẻ 5 - 6 quả trứng mỗi lứa.