Các chuyên gia chưa rõ lý do chim petrel tấn công hải âu trưởng thành khỏe mạnh, bất chấp rủi ro bị mổ vào mắt hoặc bị thương.
Các nhà khoa học phát hiện chim petrel khổng lồ phương nam (Macronectes giganteus) săn và giết lượng lớn hải âu mỏ vàng Đại Tây Dương (Thalassarche chlororhynchos) trưởng thành trên đảo Gough, Smithsonian hôm 17/7 đưa tin. Đảo Gough là một trong số ít những địa điểm sinh sản của hải âu mỏ vàng Đại Tây Dương, loài vật nguy cấp được giới nghiên cứu theo dõi cẩn thận từ năm 2008.
Bằng chứng đầu tiên về các cuộc tấn công xuất hiện vào tháng 10/2017, khi các nhà nghiên cứu tìm thấy xác 19 con hải âu trưởng thành. Ban đầu họ cho rằng số chim này chết do tai nạn, ví dụ như lao xuống đất trong gió bão, theo Michelle Risi, nhà sinh thái học tại Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia Anh (RSPB). Nhưng khi lên đảo vào năm 2018, Risi cùng các đồng nghiệp nhận ra chúng không chết do sự cố.
Để tìm nguyên nhân chính xác, nhóm nghiên cứu trở lại vào năm 2019 và lắp đặt 16 camera phát hiện chuyển động gần các tổ chim hải âu. Gần một triệu ảnh chụp và hơn 419 giờ quay video hé lộ, thủ phạm là chim petrel khổng lồ phương nam, loài vật cũng cũng sinh sản trên đảo Gough.
Chim petrel khổng lồ phương nam là những kẻ ăn xác thối lão luyện nhưng cũng giỏi săn mồi. Loài vật này có hình dáng giống mòng biển nhưng lớn bằng ngỗng. Chúng thông minh và cơ hội, thường xuyên tấn công chim non, cánh cụt và hải cẩu còn nhỏ hoặc ốm yếu, thậm chí có lúc xé xác những con cá nhà táng nổi lên.
Tuy nhiên, Tegan Carpenter-Kling, nhà sinh thái học tại tổ chức BirdLife Nam Phi, rất sốc khi biết chúng tấn công hải âu mỏ vàng Đại Tây Dương. "Tôi chưa từng nghe nói đến việc chim petrel khổng lồ săn chim trưởng thành, trừ khi con mồi bị thương", ông cho biết.
Việc tấn công hải âu trưởng thành khỏe mạnh có nhiều rủi ro, theo Richard Phillips, nhà sinh thái học nghiên cứu chim biển tại tổ chức Khảo sát Nam Cực Anh (BAS). "Chim petrel khổng lồ có thể bị mổ vào mắt hoặc bị thương", ông nói.
Chim petrel khổng lồ phương nam là những kẻ ăn xác thối lão luyện nhưng cũng giỏi săn mồi.
Các chuyên gia chưa rõ tại sao chim petrel trên đảo Gough lại chấp nhận rủi ro như vậy. Về lý thuyết, có thể chúng đang thiếu thức ăn ở biển. Nhưng Risi cho rằng vẫn có đủ hải cẩu và chim cánh cụt quanh đảo cho chúng. Cũng có khả năng chim petrel hình thành thói quen này do tranh thủ thời cơ tấn công những con hải âu vốn đã yếu đi do bị chuột quấy nhiễu.
"Nếu hành vi này lan rộng và trở nên phổ biến hơn ở chim petrel khổng lồ, quần thể chim hải âu chắc chắn sẽ bị đe dọa", Carpenter-Kling nhận định. Ông cũng cho biết, tỷ lệ tử vong ở chim trưởng thành là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của quần thể.
Chim petrel khổng lồ phương nam không phải là thách thức duy nhất mà hải âu trên đảo Gough phải đối mặt. Chúng còn bị đe dọa bởi chuột xâm lấn, ô nhiễm nhựa, biến đổi khí hậu và hoạt động của tàu đánh cá.