Lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến, tinh tinh hợp sức đoạt mạng khỉ đột

  •   4,52
  • 2.272

Các nhà khoa học lần đầu tiên chứng kiến đàn tinh tinh giết chết khỉ đột trong hai vụ tấn công ở vườn quốc gia tại bờ tây châu Phi.

Khi theo dõi đàn tinh tinh (Pan troglodytes) gồm 29 con, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Osnabrück và Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức, quan sát chúng tấn công bầy 5 con khỉ đột đất thấp phương tây (Gorilla gorilla gorilla) hôm 6/2/2019. Bầy khỉ đột bao gồm 3 con cái và một con non, cùng với khỉ đột lưng bạc đực đầu đàn.


Bầy tinh tinh đánh khỉ đột non đến chết. (Video: Live Science).

"Khỉ đột lưng bạc ném vài con tinh tinh lên cao, nó thực sự đang tìm cách bảo vệ bản thân và cả bầy", đồng tác giả nghiên cứu Simone Pika, nhà sinh vật học nhận thức ở Đại học Osnabrück, cho biết. Dù làm 3 con tinh tinh bị thương, khỉ đột lưng bạc bị lẻ thù áp đảo. Cuối cùng, đàn tinh tinh bắt mất khỉ đột non và đánh nó tới chết.

Chính đàn tinh tinh này tiếp tục tấn công khỉ đột lần nữa vào tháng 12 cùng năm và giết chết một con khỉ đột non khác. "Điều đó hé lộ cho chúng tôi biết về tiềm năng hành động bạo lực của tinh tinh, về sự phong phú trong hành vi của chúng, và cả khả năng phối hợp giữa chúng", Pika chia sẻ.

Tinh tinh và khỉ đột thường chung sống hòa bình do môi trường sống của chúng cùng tập trung trong rừng mưa Trung Phi. Hai loài linh trưởng thường tránh gặp nhau và không có xung đột ngay cả khi ăn cùng loại trái cây, theo Pika. Tuy nhiên, tinh tinh rất xông xáo bảo vệ lãnh thổ trước những con tinh tinh khác và sẵn sàng giết chết thành viên của đàn tinh tinh đối thủ.

Các nhà khoa học đi theo những con tinh tinh tham gia giết khỉ đột trong nghiên cứu dài hạn về hành vi của loài này ở vườn quốc gia Loango của Gabon. Khi vụ tấn công đầu tiên xảy ra, đàn tinh tinh vừa kết thúc tuần tra lãnh thổ và quay trở lại.

"Lúc đầu, chúng tôi chỉ để ý tới những tiếng la hét của tinh tinh và cho rằng đó là một cuộc đụng độ thông thường giữa các cá thể ở cộng đồng tinh tinh lân cận", tác giả chính của nghiên cứu Lara M. Southern, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Osnabrück, chia sẻ. "Nhưng sau đó, chúng tôi nghe thấy tiếng đấm ngực, hành vi phô diễn đặc trưng của khỉ đột, và nhận ra đàn tinh tinh đang gây chiến với bầy khỉ đột".

Vụ tấn công có thể xuất phát từ cạnh tranh nguồn thức ăn.
Vụ tấn công có thể xuất phát từ cạnh tranh nguồn thức ăn.

Trận chiến vào tháng 2/2019 kéo dài 52 phút. Bầy khỉ đột buộc phải rút lui mà không có con non. Nhóm nghiên cứu không biết trường hợp thứ hai vào tháng 12/2019 có phải nhắm vào bầy khỉ đột khác hay không. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 19/7 trên tạp chí Scientific Reports.

Pika chỉ có thể suy đoán lý do phía sau những vụ tấn công chưa từng có tiền lệ này. Tinh tinh đôi khi săn động vật như khỉ, và chúng có thể nhân cơ hội giết luôn khỉ đột nhỏ làm thức ăn. Tuy nhiên, đàn tinh tinh không bộc lộ hành vi săn mồi thông thường, theo Pika. Ví dụ, chúng chỉ ăn một con khỉ đột non và chỉ có một cá thể ăn mồi thay vì cả đàn cùng chia sẻ với nhau.

Vụ tấn công có thể xuất phát từ cạnh tranh nguồn thức ăn. Hoa quả rất khan hiếm với tinh tinh và khỉ đột vào tháng 2 và tháng 12, thời điểm các vụ tấn công xảy ra, do đó cạnh tranh nguồn thức ăn cũng tăng lên. Biến đổi khí hậu cũng làm giảm lượng trái cây sẵn có trong rừng mưa Gabon, tạo ra nhiều sự cạnh tranh hơn và dẫn tới hành vi hung dữ. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân sự việc và theo dõi hành vi của tinh tinh.

Cập nhật: 25/07/2021 Theo VnExpress
  • 4,52
  • 2.272