Chim tu hú - Bà mẹ bạc tình và đứa con sát thủ

  •   3,33
  • 6.233

Ở thiên chức làm mẹ, loài tu hú không biết ấp trứng, đi ấp nhờ. Những đứa con của chúng sau này cũng hạ gục đối thủ ngay từ phút giây nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Mùa mưa là khoảng thời gian tuyệt vời để những mầm sống mới bắt đầu hồi sinh trên các cánh rừng mưa nhiệt đới. Loài thực vật khoác trên mình tấm áo mới xanh non và đâu đó trong rừng, các vùng đất ngập nước, từng bụi lau, sậy cũng vươn mình phát triển. Đó là nơi trú ngụ, làm tổ lý tưởng của một số loài chim chích đầm lầy thuộc giống Locustella.  Đó cũng là thời điểm thích hợp để chim tu hú thực hiện "thiên chức đẻ nhờ" mà tổ tiên chúng truyền lại trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

Trong thế giới tự nhiên, bất cứ một sinh vật nào đều được sinh ra, nuôi dưỡng bởi bố mẹ mình nhưng chim tu hú lại nằm ngoài quy luật đó. Thay vì làm tổ, đẻ trứng, ấp và chăm con, chim tu hú lại thường tìm tổ chim chích để "gửi" trứng. Đó còn gọi là “chiến thuật gửi trứng tu hú”.

Trước tiên, tu hú mái tìm một tổ chim chích đã đẻ trứng và tự thưởng cho nó một quả trứng của loài chim này. Sau khi no nê, bà mẹ ấy đẻ vào đó một quả trứng khác. Quả trứng này có kính thước gần bằng của trứng chim chích với hoa văn rất giống khiến cặp đôi chim chích nghĩ rằng đó là trứng của chúng.

Chim tu hú - Bà mẹ bạc tình và đứa con sát thủ
Chim chích mẹ mang thức ăn cho tu hú con Endynamis scolopacea. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Sau thời gian ấp nhờ chim chích, mặc dù mới nở ra còn đỏ hỏn, nhưng tu hú con đã thể hiện bản lĩnh của một ác thủ. Nó nhanh chóng dùng sức mạnh cơ bắp, đôi cánh và phần lưng để đẩy con chim chích non mới nở cùng những quả trứng còn lại văng ra khỏi tổ. Âm mưu của nó là độc chiếm nguồn thức ăn nuôi dưỡng bầy con của cặp chim chích bố mẹ.

Sau khi hoàn thành "sứ mệnh", nó lớn lên rất nhanh và suốt ngày kêu réo nguồn thức ăn từ đôi chim chích bố mẹ nhỏ bé. Để đáp ứng nhu cầu tham ăn của đứa con hoang to hơn cha mẹ chúng nhiều lần, cặp vợ chồng nhà chích phải nỗ lực tìm kiếm thức ăn.

Đến khi đã đủ lông, đủ cánh, tu hú con sẽ bay đi, bỏ rơi kẻ nuôi dưỡng nó. Một ngày nào đó, có thể nó sẽ lại đẻ nhờ chính vào cái tổ '"bố mẹ nuôi". Hiện tượng "đẻ nhờ" của chim tu hú được cho là kỳ quái trong thế giới tự nhiên.

Tu hú mẹ không có khả năng tha mồi nuôi con vì chim mẹ chuyên ăn sâu, ăn cả những con sâu có nọc độc. Đối với loài đã trưởng thành, cơ thể của chúng sẽ miễn nhiễm với độc tố của sâu độc. Trong khi tu hú con chưa có hệ thống miễn nhiễm, nên nếu ăn phải sâu độc nó có thể sẽ bỏ mạng. Vì thế tu hú mẹ phải nhờ đến các loài chim khác nuôi con của nó. Đây cũng là mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh sinh động về cuộc đấu tranh sinh tồn và duy trì nòi giống của muôn loài trong thiên nhiên hoang dã.

Chim tu hú - Bà mẹ bạc tình và đứa con sát thủ
Tu hú con kêu réo và đòi nguồn thức ăn từ "bố mẹ nuôi". (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Tu hú có tên khoa học là Endynamis scolopacea. Chim trống có bộ lông đen với ánh xanh thẫm. Chim mái lông lốm đốm đen nhạt và trắng. Đầu chim mái màu hơi nhạt hơn và hung hơn so với chim trống. Chim non lông đen toàn thân, nhưng sau kỳ thay lông đầu tiên nó đã chuyển thành bộ lông gần nh­ư chim mái. Chim trống thì có bộ lông đỏ trong một thời gian rồi chuyển dần sang bộ lông trưởng thành với mắt đỏ, mỏ xanh xám, gốc mỏ đen, chân xám chì.

Tu hú phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, đông nam Trung Quốc và Malaysia. Ở Việt Nam, chim tu hú phân bố ở khắp các vùng đồng bằng và vùng trung du. Vào mùa đông, con người rất ít gặp loài này vì phần lớn chúng bay về phương nam để tránh rét.

Video: Chim gõ kiến mẹ vừa rời tổ, một "bóng đen" nhanh như chớp đã chui vào hốc cây và bắt cóc 4 chim con

Khoảnh khắc hiếm thấy: Con lươn xé toạc cổ họng của kẻ săn mồi khi đang bay trên trời

Thi hài tân nương 5 tuổi trong mộ cổ hé lộ giai đoạn lịch sử đầy thương tâm của Trung Quốc cổ đại

Cập nhật: 03/01/2024 Theo Vnexpress/ANTĐ
  • 3,33
  • 6.233