Các nhà sinh học Mỹ giới thiệu công nghệ tạo ra điện từ hoạt động đập cánh của chim, dơi hay bướm nhằm cung cấp năng lượng cho một thiết bị thu thập dữ liệu sinh học.
Thiết bị thu thập dữ liệu gắn trên chim bồ câu. (Ảnh: Michael Shafer)
Các chuyên gia của Đại học Northern Arizona phát triển một phiên bản kích thước nhỏ, có con lắc cộng hưởng với tần số vỗ cánh để tạo ra điện năng. Bản mẫu được thử nghiệm trên chim bồ câu được huấn luyện.
"Chúng tôi tạo ra một thiết bị ứng dụng cho các loại động vật có hoạt động bay là một phần trong thói quen hàng ngày, đồng thời hữu ích đối với các loài động vật sống về đêm. Miễn là chúng chuyển động, chúng tôi có thể tạo ra năng lượng từ hoạt động đó", Ryan Shipley, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Theo phys.org, nguồn năng lượng từ chuyển động đập cánh của các loài chim, bướm hay dơi đủ để cung cấp cho một thiết bị thu thập dữ liệu về vị trí, thói quen di cư hay các thống kê sinh lý.
Để theo dõi động vật bay, các nhà nghiên cứu thường sử dụng thiết bị có pin nhỏ, nhẹ và hoạt động được khoảng 5 ngày. Những loại dùng năng lượng Mặt Trời có tuổi thọ cao hơn, nhưng cần lưu trữ năng lượng khi theo dõi vào ban đêm.