Chữa hói đầu bằng máu của chính bệnh nhân

  •  
  • 2.230

Các chuyên gia thẩm mỹ đang bắt đầu áp dụng một phương pháp mới để chữa trị bệnh hói, bằng cách sử dụng máu của chính bệnh nhân.

Năm 2013, thế giới từng chứng kiến sự ra đời của một phương pháp làm đẹp kỳ lạ mới, được biết đến với tên gọi "làm đẹp mặt kiểu ma cà rồng". Trong đó, các chuyên gia sẽ trích rút máu của chính bệnh nhân rồi phun nó trở lại mặt của người này.

Kiểu làm đẹp này đã trở nên nổi tiếng sau khi ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Kim Kardashian, biệt danh "cô Kim siêu vòng 3", và siêu mẫu Bar Refaeli công khai cho biết họ đang áp dụng. Sự phát cuồng của những người hâm mộ đã khiến phương pháp "làm đẹp mặt kiểu ma cà rồng" ngay lập tức được yêu cầu nhiều nhất tại các trung tâm thẩm mỹ và tăng tới 800% doanh số trong năm ngoái.

Chữa hói đầu bằng máu của chính bệnh nhân
Ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Kim Kardashian và siêu mẫu Bar Refaeli đã giúp phương pháp "làm mặt kiểu ma cà rồng" trở nên thịnh hành. (Ảnh: Daily Mail)

Sự ưa chuộng và hiệu quả của phương pháp làm đẹp kiểu ma cà rồng đã khiến các bác sĩ thẩm mỹ áp dụng kỹ thuật này với bệnh nhân hói để kích thích sự phát triển của tóc. Liệu pháp huyết thanh giàu tiểu cầu (PRP), tên gọi chính thức của phương pháp chữa hói mới, đang được dùng trên da đầu, vì nó dường như có thể "đánh thức" các nang tóc "ngủ đông" và kích thích chúng bắt đầu phát triển trở lại.

PRP đang được coi là một dạng chữa trị đầy tiềm năng đối với những phụ nữ hoặc đàn ông thiếu tóc hoặc hói đầu vì di truyền, các vấn đề hormone, chấn thương hoặc chứng rụng tóc. Một liệu trình PRP kéo dài khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, bao gồm việc lấy 4 xi lanh máu của bệnh nhân, rồi đặt vào một máy ly tâm y tế để phân tách huyết thanh khỏi các tế bào hồng cầu, tương tự như kỹ thuật PRP cho mặt.

Sau đó, các bác sĩ sẽ tiêm gây tê tại chỗ vùng da đầu người bệnh, rồi dùng kim lăn chuyên dụng dermaroller kích thích toàn bộ khu vực này. Khi các xi lanh sẵn sàng, các chuyên gia sẽ tiêm số huyết thanh trích lấy được vào da đầu, chủ yếu vào các khu vực cần mọc tóc. Bệnh nhân tiếp đó sẽ phải dùng kim lăn dermaroller hàng ngày tại nhà, trong khoảng 1 tháng sau khi thực hiện PRP.

Chữa hói đầu bằng máu của chính bệnh nhân
Ảnh chụp kết quả sau 1 lần điều trị PRP (phải) của một bệnh nhân 31 tuổi. (Ảnh: Daily Mail)

Vicki Smith, một bác sĩ thẩm mỹ đang tiến hành PRP trị hói cho các bệnh nhân, cho biết: "Việc không nhìn thấy bất kỳ thay đổi nào trong vòng 6 tuần sau trị liệu là hoàn toàn bình thường. Phải sau đó, bạn mới bắt đầu cảm nhận tóc đang trở nên dày hơn ở vùng da đầu điều trị. Bạn có thể chứng kiến các kết quả tối ưu vào tháng thứ 3. Đây là giai đoạn quyết định xem bệnh nhân có cần điều trị lần 2 hay không".

Theo các chuyên gia, liệu pháp PRP có thể được sử dụng riêng rẽ hoặc song song với việc cấy ghép tóc, thường được tiến hành trước 1 tháng. Nhược điểm lớn nhất hiện nay của liệu pháp PRP hiện nay là giá thành tương đối cao, với chi phí cho một lần điều trị lên tới 2.130 USD.

Tiêu đề đã được được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 2.230