Chúng ta cần làm những gì khi gặp tai nạn giao thông trên đường?

  •  
  • 1.682

Thay vì "đứng như trời trồng", bạn có thể thực hiện những việc dưới đây để tăng khả năng sống sót cho nạn nhân khi gặp tai nạn.

Những việc cần làm khi gặp tai nạn giao thông?

Vụ tai nạn thảm khốc tại khu vực Chùa Bộc - Thái Hà đêm 8/11 thực sự là một cú sốc đối với những người chứng kiến. Nhưng bên cạnh những người sốt sắng giúp đỡ người bị nạn, phần đông chúng mọi người đều... không dám làm gì cả.


Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tối ngày 8/11.

Bởi phần lớn chúng ta khi gặp tai nạn sẽ có phản ứng đầu tiên là... hoảng loạn. Nhưng cần nhớ rằng, việc bạn hành động sớm vài phút thôi cũng có thể cứu sống được tính mạng một người. Vì thế bất cứ khi nào gặp tai nạn trên đường, xin bạn hãy ghi nhớ thực hiện những điều sau đây:

1. Gọi xe cấp cứu và công an

Việc đầu tiên, bạn phải giữ bình tĩnh và để ý xác định xem đã có ai gọi xe cấp cứu chưa (nếu chưa thì bạn sẽ là người phải gọi). Số điện thoại gọi cấp cứu tại Việt Nam là 115.

Chúng ta cần làm những gì khi gặp tai nạn giao thông trên đường?
Việc cần làm khẩn cấp khi gặp tai nạn là gọi cứu thương và công an.

Nhớ rằng bạn không cần phải thêm mã vùng (như 043 tại Hà Nội) khi gọi bằng điện thoại di động trong cùng thành phố. Tuy nhiên, nếu gọi giúp xe cứu thương cho tỉnh khác thì việc thêm mã vùng là bắt buộc.

Tại sao phải giữ bình tĩnh? Đó là vì ngay khi kết nối được với tổng đài, bạn phải thật sáng suốt để cung cấp thông tin với độ chính xác cao nhất. Các thông tin gồm có:

  • Địa chỉ chính xác của nơi xảy ra tai nạn. Nếu nơi xảy ra tai nạn khá hẻo lánh, hãy chọn con đường gần đó nhất, hoặc nhờ sự trợ giúp của người dân xung quanh.
  • Số điện thoại bạn đang liên lạc là gì? Dù hầu hết điện thoại ngày nay đều hiện số gọi đến, nhưng đã có trường hợp xảy ra lỗi. Tổng đài sẽ xác nhận lại điều này để có thể gọi lại trong trường hợp cần thêm thông tin.
  • Vấn đề xảy ra là gì? Bạn cần mô tả rõ và chi tiết hết sức có thể.
  • Nạn nhân khoảng bao nhiêu tuổi? Xác định điều này bằng chứng minh thư của nạn nhân, hoặc ước lượng độ tuổi bằng mắt. Trẻ em và người già sẽ có sức chịu đựng khác người trưởng thành, do đó cần những dụng cụ chuyên biệt.
  • Nạn nhân có bất tỉnh không?
  • Nạn nhân còn thở không?

2. Chờ xe cứu thương

Sau khi cung cấp đủ thông tin, bạn cũng chớ vội gác máy, vì tổng đài sẽ tiếp tục hướng dẫn chi tiết cho bạn phải làm gì trong tình huống này, hoặc cần bạn cung cấp thêm thông tin chi tiết hơn.

Nếu tổng đài đã gác máy, thì việc tiếp theo bạn cần làm là quan sát hiện trường xung quanh, để ý xem có mối đe dọa nào khác không. Một vài nguy cơ thường gặp khi xảy ra tai nạn giao thông như xe rò rỉ xăng, động cơ vẫn đang chạy, hoặc thậm chí là bốc cháy. Nếu có thể, hãy tìm cách tắt động cơ xe.

Chúng ta cần làm những gì khi gặp tai nạn giao thông trên đường?
Trong khi đợi xe cứu thương, cần quan sát xung quanh xem có mối nguy hiểm nào khác không.

Trong trường hợp động cơ đang cháy, hãy vào ngay nhà dân để mượn bình chữa cháy để dập lửa.

Ngoài ra, trong lúc chờ xe cứu thương, hãy huy động những người qua đường "dọn đường" để có lối đi đủ rộng cho xe cứu thương tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng nhất.

3. Giúp đỡ nạn nhân

Nếu bạn không phải là bác sĩ, sinh viên y khoa, hoặc chí ít đã học qua những khóa sơ cứu cơ bản, thì tuyệt đối không được tự ý sơ cứu nạn nhân. Nhiều trường hợp sơ cứu không đúng cách đã khiến cho tình trạng bệnh nhân nguy cấp hơn. Tốt nhất, hãy để nạn nhân nằm yên vị cho đến khi xe cứu thương đến.

Tuy nhiên trong trường hợp bất khả kháng phải di dời, có thể do nạn nhân bị tai nạn giữa đường, hoặc phương tiện giao thông đang bắt lửa, cần phải cẩn trọng với phần xương gãy. Đừng để nạn nhân bị vặn lưng hoặc cổ.

Chúng ta cần làm những gì khi gặp tai nạn giao thông trên đường?
Khi gặp tai nạn, không nên tự ý sơ cứu nạn nhân.

Nếu nạn nhân đang đội mũ bảo hiểm quá kín, khiến họ khó thở, bạn có thể tìm cách gạt tấm chắn lên. Tuy nhiên tốt nhất là không nên động vào, vì nhiều trường hợp tháo mũ bảo hiểm không đúng cách đã gây thương tổn không nhẹ cho vùng cổ của nạn nhân.

Nhưng nếu buộc phải tháo mũ, hãy cùng ai đó nâng cổ và đầu, rồi người kia nhẹ nhàng kéo mũ ra khỏi đầu từ phía sau thật cẩn thận, nhớ đừng vặn hoặc xoay đầu họ.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.682