Khói xe hại nhiều người hơn tai nạn giao thông

  •  
  • 1.198

Số người chết vì ô nhiễm không khí trên đường phố hàng năm tại Anh cao hơn hai lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Steve Yim và Steven Barrett, hai nhà nghiên cứu về ô nhiễm của Viện Công nghệ Massachusetts tại Mỹ, tìm hiểu mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí tại Anh, BBC đưa tin.

Hai nhà nghiên cứu kết hợp các mô hình lưu chuyển không khí và hóa chất với các nghiên cứu y khoa và nhiều loại dữ liệu khác để đưa ra số liệu độc lập về tác động của không khí bẩn đối với sức khỏe.

Theo đánh giá của họ, chất thải từ các phương tiện cơ giới trên mặt đất là nguyên nhân khiến gần 5.000 người chết sớm tại Anh mỗi năm. Tương tự, mỗi năm khí thải từ máy bay cướp sinh mạng của khoảng 2.000 người.

Khí thải từ xe hơi và xe tải gây nên tác động lớn đối với sức khỏe con người vì chúng hiện diện gần những nơi con người làm việc và sinh sống.
Khí thải từ xe hơi và xe tải gây nên tác động lớn đối với sức khỏe con
người vì chúng hiện diện gần những nơi con người làm việc và sinh sống.

Trong khi đó số người chết vì tai nạn giao thông tại Anh trong năm 2010 là 1850.

Mỗi khi nhắc tới ô nhiễm không khí, nhiều người nghĩ tới hình ảnh khói đen bốc lên từ những ống khói của nhà máy. Nhưng dữ liệu của hai nhà nghiên cứu cho thấy phương tiện cơ giới giết chết nhiều người hơn so với các cơ sở công nghiệp.

“Xe hơi và xe tải thải khí bẩn gần nơi con người sống và làm việc, vì thế chúng gây ra tác động lớn hơn so với các phương tiện cơ giới khác”, Barrett giải thích.

Không khí bẩn cũng là vấn đề khiến dư luận nhiều nước, bao gồm cả Việt Nam, quan tâm. Mới đây ARIA Technologies - công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng - cảnh báo rằng Hà Nội là một trong những đô thị có không khí bẩn nhất ở châu Á với nồng độ bụi cao gấp nhiều lần cho phép.

Báo cáo môi trường quốc gia của Việt Nam vào năm 2010 cho thấy, hoạt động giao thông vận tải, xây dựng và công nghiệp tạo ra nhiều chất gây ô nhiễm không khí nhất. Riêng hoạt động giao thông góp tới 70% tổng lượng khí thải gây ô nhiễm.

Trung tâm quan trắc môi trường Việt Nam cho hay, hoạt động giao thông tạo ra 85% lượng khí CO (một khí không màu, gây ngạt thở, nhói ở mũi, cổ họng), 95% lượng VOCs (các chất hữu cơ bay hơi có thể gây khô da, ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn, tiêu hoá, gan thận) và các loại khí độc hại khác.

Biểu hiện rõ nhất về độ bẩn của không khí là lượng bụi hạt lơ lửng. Mật độ PM10 ở các nút giao thông của các thành phố lớn luôn vượt mức cho phép. PM10 là hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet, thường do xe môtô, nhà máy điện thải ra trực tiếp. Loại bụi siêu nhỏ này dễ dàng xâm nhập vào phổi, mạch máu và gây ra các bệnh như tim, ung thư phổi, hen và nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, mới đây nhận định chất lượng không khí tại nhiều đô thị của Việt Nam - đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh - đang giảm.

Theo VNE
  • 1.198