Mới đây, nam diễn viên Ben Stiller tuyên bố mình mắc ung thư tuyến tiền liệt. Đây là căn bệnh khá đáng sợ đối với nam giới nhưng không phải mắc là hết hy vọng. Như trong trường hợp của Stiller, nhờ phát hiện kịp thời căn bệnh nên mở ra cơ hội chữa trị hiệu quả với các phác đồ điều trị từ giai đoạn đầu. Vậy chúng ta có nên đi xét nghiệm định kỳ hay không? Kỳ thực, đó vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi trong giới khoa học.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Ben Stiller đã lần đầu tiên tiết lộ rằng anh đã mắc ung thư tuyến tiền liệt từ cách đây 2 năm. Ở tuổi 50 như hiện tại, Stiller cho biết kết luận này được các bác sĩ đưa ra sau khi cho anh làm xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt (còn gọi là PSA test). Cụ thể thì nồng độ PSA trong máu cao bất thường chính là một trong những dấu hiệu cho thấy người đàn ông đó có thể mắc ung thư tuyến tiền liệt. Trong trường hợp của Stiller, sau đó anh còn được trải qua theo dõi MRI và sinh thiết để khẳng định chắc chắn là đã mắc ung thư.
Tuy nhiên, Stiller cho biết: "những bài xét nghiệm này đã cứu sống tôi". Tại sao Stiller có thể lạc quan trước căn bệnh ung thư như vậy? Về cơ bản thì PSA là một trong những bài test chính trong quá trình tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi trong giới y học.
Nam diễn viên Ben Stiller.
Hồi năm 2012, Cơ quan đặc biệt về các dịch vụ phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF - một hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính quyền liên bang) đã khuyến cáo rằng những nam giới không cần tiến hành tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ dù ở độ tuổi nào.
Ngược lại, hiệp hội ung thư Hoa Kỳ lại khuyến cáo rằng những đàn ông độ tuổi 50 nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để tiến hành thử nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt nếu họ có nguy cơ mắc bệnh trung bình hoặc thực hiện điều này vào khoảng 40 - 45 tuổi nếu trong gia đình có người mắc bệnh này. Vấn đề lớn nhất trong các thủ tục tầm soát ung thư tuyến tiền liệt chính là mặc dục PSA test có thể giúp xác định sớm bệnh nhưng vẫn không rõ là liệu lợi ích của xét nghiệm có lớn hơn những rủi ro về dài hạn đối với hầu hết nam giới hay không.
Theo USPSTF, một vấn đề của bài test PSA chính là nó thường cho kết quả dương tính với ung thư tuyến tiền liệt mặc dù thật sự người đó không mắc bệnh. Thống kê cho thấy có khoảng 75% nam giới có nồng độ PSA cao bất thường nhưng lại không có ung thư. Đây chính là tình huống dương tính giả nhưng lại dẫn tới những lo lắng, sợ hãi không đáng có sau khi đi xét nghiệm. Mặt khác, PSA không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được ung thư. Có khoảng 20% nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng có mức độ PSA bình thường, do đó kết quả xét nghiệm sai lại có thể dẫn tới tâm lý chủ quan ở bệnh nhân.
Hơn thế nữa, thậm chí là ngay cả khi ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện thì bác sĩ cũng không thể đảm bảo là đó có thật sự là một mối đe dọa đối với sức khỏe bệnh nhân nam đó hay không. Trong nhiều trường hợp, ung thư tuyến tiền liệt không phát triển hoặc gây ra triệu chứng, hoặc nó phát triển một cách chậm chạp đến mức không thể nào gây ra bất cứ vấn đề gì tới sức khỏe bệnh nhân trong suốt đời. Phía hiệp hội ung thư Hoa Kỳ cũng cho biết: "Dựa vào mức độ PSA cao nên một số bệnh nhân nam có thể được chẩn đoán là ung thư tuyến tiền liệt nhưng thậm chí họ không hiểu hết về nó. Bệnh có thể không bao giờ nguy hiểm tới tính mạng của họ hoặc thậm chí là gây ra bất cứ triệu chứng nào".
Điều này có nghĩa là một số người đàn ông mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể sẽ nhận được những biện pháp điều trị mà thật sự họ không cần. Và những biện pháp điều trị như phẫu thuật hoặc xạ trị thì tất nhiên là không hề nhẹ nhàng chút nào. Nghiêm trọng hơn, các biện pháp này còn có thể dẫn tới suy giảm chức năng cương cứng, chứng tiểu tiện không kiểm soát và các vấn đề về kiểm soát hoạt động ruột. Thực vậy, Stiller đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng anh đang chịu một số tác dụng phụ khi điều trị và tiết lộ rằng đời sống tình dục đã có nhiều thay đổi sau khi phẫu thuật.
Stiller tiết lộ rằng đời sống tình dục đã có nhiều thay đổi sau khi phẫu thuật.
Stiller chia sẻ: "Phải mất thời gian mới bình thường lại. Nó đã thay đổi những trải nghiệm của tôi về cảm giác khi cực khoái. Nó thật tuyệt vời và chỉ là có cảm giác khác mà thôi". Nhìn chung, vẫn chưa rõ là liệu việc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt có giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân do bệnh hay không. Một nghiên cứu hồi năm 2012 dựa trên 76.000 người đàn ông đã phát hiện rằng không có sự khác nhau về tỷ lệ tử vong do bệnh giữa những người tiến hành tầm soát bệnh hàng năm và những người chỉ xét nghiệm khi có lời khuyên của bác sĩ. Nói cách khác, nghiên cứu cho rằng tầm soát bệnh ung thư tuyến tiền liệt hàng năm là không cần thiết đối với đa số nam giới.
Nhiều chuyên gia tin rằng một thủ tục gọi là chủ động giám sát có thể giảm những biện pháp điều trị bệnh không cần thiết. Dưới sự giám sát chủ động, những bệnh nhân được chẩn đoán là có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp sẽ thường xuyên theo dõi kiểm tra và chỉ chữa trị khi ung thư tiến triển tới mức xấu.
Cho tới nay, một nghiên cứu gần đây đã phát hiện rằng nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt ít nhất sẽ sống được hơn 10 năm bất kể là họ có được theo dõi chủ động, phẫu thuật hoặc xạ trị. Tuy nhiên, nghiên cứu còn phát hiện rằng những bệnh nhân sử dụng biện pháp chủ động theo dõi sau khi chẩn đoán mắc ung thư sẽ có nguy cơ tiến triển và di căn cao hơn so với những bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Đồng thời, khoảng một nữa bệnh nhân ban đầu chọn cách theo dõi tích cực nhưng rồi cũng kết thúc bằng thủ tục phẫu thuật hoặc xạ trị.
Nghiên cứu trên được công bố hồi 14/9 trên tạp chí The New England Journal of Medicine và trong đó, các nhà khoa học kết luận rằng họ cần phải theo dõi các đối tượng nghiên cứu trong thời gian dài hơn để rút ra kết luận cuối cùng. Họ hy vọng rằng việc tiếp tục theo dõi sẽ cung cấp thêm thông tin nhằm xác định những bệnh nhân chọn cách theo dõi chủ động sẽ có khác biệt gì về tỷ lệ tử vong do ung thư so với các bệnh nhân chọn phương án khác.