Chúng ta luôn cảm thấy đầu óc liên tục nghĩ về hết điều này đến điều khác, không ngừng nghỉ.
Chúng ta thường thấy lúc nào mình cũng nghĩ đến một điều gì đó, và có lúc muốn tạm dừng chuỗi ý nghĩ dài dằng dặc như thế bằng cách tự bảo mình thôi không nghĩ nữa. Nhưng chúng ta có thực sự ngừng hay có thể ngừng suy nghĩ được không?
Điều đó còn tùy thuộc vào cách bạn định nghĩa thế nào là “suy nghĩ”, ông Michael Halassa - Giáo sư dự khuyết của Khoa khoa học nhận thức và não bộ, Viện Công nghệ Massachussets – cho biết. Một ý nghĩ là kết quả của việc trao đổi chất hóa học giữa các tế bào não, có thể xảy ra một cách có ý thức hoặc vô ý thức.
Dạng suy nghĩ mà chúng ta biết đến, ví dụ: các ý nghĩ nối tiếp nhau không ngừng xuất hiện khi chúng ta đang cố gắng ngủ thì về lí thuyết có thể ngừng được, chẳng hạn như bằng biện pháp thiền.
Bộ não không bao giờ thực sự ngừng suy nghĩ.
Nhưng ngay cả khi chúng ta tập thiền để cố gắng tạm ngừng các suy nghĩ vu vơ thì vẫn chưa ai khẳng định được mức độ ngừng suy nghĩ đó là bao nhiêu. Bà Julia Kam – nhà khoa học nhận thức của Phòng thí nghiệm Hiệp sĩ, thuộc Trường đại học California, Berkeley, Mỹ - nói rằng: “tôi không biết cả về lí thuyết thì có thể ngừng hoàn toàn mọi suy nghĩ hay không, và nếu là có thể thì việc này cũng vô cùng khó để có thể kiểm tra được”. Tuy vậy, bà cũng cho biết những người thiền định có khả năng hiểu rõ hơn và làm chủ tốt hơn việc họ đang nghĩ về điều gì.
Có một điều khác biệt giữa việc “nghĩ gì đó” và “biết được mình đang nghĩ gì đó”. Vì thế nếu bạn hỏi một người là anh ta đang nghĩ về điều gì và họ trả lời rằng “không gì cả” thì có thể là anh ta không nhận ra rằng anh ta đang nghĩ về cái gì. Ví dụ, bạn đang chìm trong một suy nghĩ về một mối quan hệ hoặc một kì thi sắp tới và bạn chỉ nhận ra bạn đang nghĩ về nó khi có người đập vào vai bạn kéo bạn ra khỏi dòng suy nghĩ đó. Những người đang “không nghĩ gì cả” cũng có thể đang có những dòng suy nghĩ vô thức, không thành một câu chuyện mạch lạc.
Nhưng bộ não thì không bao giờ thực sự ngừng suy nghĩ. Hầu hết các suy nghĩ thực sự diễn ra trên cơ sở là bất chấp chúng ta có nhận thức được là chúng ta đang suy nghĩ hay không và “không có cách nào thực sự để ngừng dòng suy nghĩ của não lại được” – Giáo sư Halassa cho biết.
Nếu bạn nhìn thấy một khuôn mặt quen thuộc trong đám đông và nghĩ rằng bạn biết người đó, thì chưa chắc bạn đã ngay lập tức nhớ ra vì sao bạn biết người đó. Nhưng có thể một lúc sau, vài giờ sau, bạn bỗng nhiên nhớ ra được. Đó là kết quả của việc não bạn có suy nghĩ liên tục.
Thậm chí việc ra quyết định cũng hầu hết là xảy ra một cách vô thức. Ví dụ: một số suy nghĩ nền tàng sẽ dẫn đến cái mà chúng ta gọi là “cảm giác mơ hồ”. Có rất nhiều lần bộ não của chúng ta mải đếm rất nhiều con số và cuối cùng dẫn đến một cảm giác mơ hồ về một điều gì đó. Chúng ta không thường xuyên có tiếp cận có ý thức với quá trình ra quyết định và đôi khi chúng ta nghĩ ra một câu chuyện để giải thích cho quyết định đó mà đôi khi quyết định này là chính xác, đôi khi lại không.
Nhà khoa học nhận thức Julia Kam cũng nhất trí rằng cách bạn định nghĩa “suy nghĩ” sẽ thay đổi câu trả lời cho câu hỏi “có khi nào bộ não ngừng suy nghĩ không”. Nếu bạn cho rằng suy nghĩ giống như là một cuộc tự hội thoại với chính bản thân mình thì câu trả lời là “có, chúng ta có thể ngừng suy nghĩ, ngừng cuộc hội thoại nội tâm đó”; nhưng nếu bạn cho rằng suy nghĩ tức là không tập trung chú ý vào bất cứ cái gì cụ thể thì sẽ rất khó để nói là bộ não có ngừng suy nghĩ hay không.
Ngay cả khi bạn đang đọc những dòng này, thì tư duy hay suy nghĩ của bạn chính là hoạt động gửi tín hiệu đi qua một chuỗi các nơ ron trong não bạn. Vì thế nếu chúng ta có chủ tâm ngừng suy nghĩ hoặc cố gắng đạt tới “tình trạng trí óc trống rỗng” bằng việc thiền thì bộ não cũng không ngừng hoạt động đâu. Bộ não vẫn tiếp tục có những ý nghĩ, chỉ là chúng ta không nhận ra mà thôi.