Chuyện ly kỳ quanh cây dầu rái trên 300 năm tuổi

  •  
  • 785

Ở An Giang có 5 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản, chủ yếu tập trung ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Nhưng đặc biệt nhất là “cụ” dầu rái (Dipterocarpus Alatus Roxb) trên 300 năm tuổi ở ấp Cô Thi, xã An Cư, H.Tịnh Biên…

"Cụ" dầu rái 300 năm tuổi khổng lồ tỏa bóng mát
"Cụ" dầu rái 300 năm tuổi khổng lồ tỏa bóng mát - (Ảnh: Tô Văn).

Tuy đã trải qua những thăng trầm của thời gian, biến cố lịch sử, nhưng “cụ” dầu rái vẫn tồn tại trên hàng trăm năm. Chính vì vậy, ngày 13/8/2013, “cụ” dầu rái được công nhận là cây Di sản việt Nam và từ đó tạo cơ hội bảo tồn gìn giữ và giới thiệu nét đặc sắc văn hóa của bà con An Giang.

Chiều cao của cụ dầu rái tính từ mặt đất đến ngọn khoảng 25 mét
Chiều cao của cụ dầu rái tính từ mặt đất đến ngọn khoảng 25 mét - (Ảnh: Tô Văn).

Theo lời chỉ dẫn của nhiều người dân, PV tìm đến ấp Pô Thi, xã An Cư, H.Tịnh Biên, để tìm hiểu về “cụ” dầu rái sống thọ trên 300 năm tuổi. “Cụ” dầu rái có tên khoa học là Dipterocarpus Alatus Roxb, cây có chu vi gần 8 mét và có chiều cao trên 25 mét.

Các tán cây “cụ” dầu rái bị trụi khô cành lá
Các tán cây “cụ” dầu rái bị trụi khô cành lá - (Ảnh: Tô Văn).

“Cụ” dầu rái ngoài việc sở hữu “thân hình, cánh tay” của “gã khổng lồ”, còn có bộ rễ rất độc đáo. Nếu nhìn từ xa, các nhánh rễ cuồn cuộn nổi lên như hàng chục con mãng xà khổng lồ quấn quanh thân cây dầu rái.

Tuy đã trải qua những thăng trầm của thời gian, biến cố lịch sử nhưng “cụ” dầu rái vẫn tồn tại
Tuy đã trải qua những thăng trầm của thời gian, biến cố lịch sử nhưng “cụ” dầu rái vẫn tồn tại - (Ảnh: Tô Văn).

Ông Châu Sóc Nho, ngụ ấp Pô Thi, cho biết, người dân Khơme ở đây rất tôn trọng sự linh thiêng của “cụ”. “Chúng tôi thường nghe cha ông ngày trước kể lại “cụ” dầu rái đã từng hứng bom đạn thay cho dân làng nên từ đó mọi người quyết định tôn thờ.

Bộ rễ to và sần sùi như những con mãng xà uốn quanh
Bộ rễ to và sần sùi như những con mãng xà uốn quanh - (Ảnh: Tô Văn).

Chính vì sự linh thiêng của cây nên mỗi khi dân làng có người chết thường đem đi thiêu, sau đó, đem tro và hài cốt để vào hang dưới gốc “cụ” (tập tục của người dân Khơme - PV) để thờ cúng. Nhưng bây giờ rễ cây mọc lớn nên hang đã bị bít lại, vì vậy mọi người lập miếu để thờ cúng thuận lợi hơn".

Vết mực đỏ xác định tuổi thọ của “cụ” dầu rái trên 300 năm tuổi còn lưu lại
Vết mực đỏ xác định tuổi thọ của “cụ” dầu rái trên 300 năm tuổi còn lưu lại - (Ảnh: Tô Văn).

Theo ông Sóc Nho, không riêng dân làng ở đây, những khách hành hương từ xa đến, cũng thường đem trái cây, gà vịt, heo quay đến chiêm bái, cúng viếng, cầu may mắn tốt đẹp. “Vì họ nghĩ cụ sống lâu năm nên cụ có linh hồn để che chở, phù hộ cho họ”, ông Sóc Nho bộc bạch.

Người dân lập rất nhiều miếu thờ dưới gốc cây
Người dân lập rất nhiều miếu thờ dưới gốc cây - (Ảnh: Tô Văn).

Theo ghi nhận của PV, “cụ” dầu rái cao khoảng 25 mét, với nhiều tán khổng lồ, gốc rễ nổi trên mặt đất… Vì “cụ” dầu rái có tuổi thọ hàng trăm năm nên người dân nơi đây lập miếu thờ miếu. Ngoài ra, bên gốc cây được dựng tấm bảng công nhận di sản nhưng đã bị phai màu theo thời gian.

Cây dầu rái di sản
Mỗi khi dân làng có người chết thường đem đi thiêu. Sau đó, đem tro và hài cốt để vào hang dưới gốc cây nhưng bây giờ rễ cây mọc lớn nên hang đã bị bít lại - (Ảnh: Tô Văn).

1 cán bộ Chi cục kiểm lâm An Giang cho biết: “Bảo vệ cây dầu rái di sản là trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm, cộng đồng và chính quyền sở tại. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính vẫn là của Chi cục Kiểm lâm trong việc quản lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ cây theo đúng quy định pháp luật về các cây di sản ở địa phương”, cán bộ này nhận định.

Cập nhật: 15/05/2020 Theo motthegioi
  • 785