Chuyện nàng cung nữ hiếu thảo: Sự tích Tết Nguyên Tiêu – Rằm tháng Giêng

  •   3,312
  • 10.610

Ngày 15/1 hay ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng với phong tục người Việt Nam và cũng có rất nhiều truyền thuyết về ngày Tết này.

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là “Tết Nguyên Tiêu” là ngày lễ lớn trong phong tục của người Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng mấy ai biết rằng, nguồn gốc của ngày tết này xuất phát từ lòng hiếu thảo của một cung nữ thời Tây Hán bên Trung Quốc.

Người xưa có câu: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng". Rằm tháng giêng cũng gọi là "Tết Nguyên Tiêu", nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. "Nguyên" là thứ nhất, "tiêu" là đêm. Tên gọi Nguyên Tiêu còn gắn liền với sự tích nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán.

Tương truyền Hán Vũ Đế có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, tính tình lương thiện, khôi hài. Mùa đông năm nọ, tuyết rơi liền mấy hôm, Đông Phương Sóc đến ngự hoa viên, chợt phát hiện có một cung nữ nước mắt đầm đìa đang định nhảy xuống giếng tự vẫn. Đông Phương Sóc vội chạy đến ngăn lại, hỏi rõ sự tình. Thì ra, cô cung nữ tên là Nguyên Tiêu, từ khi vào cung đến nay cô chưa được gặp mặt người thân, mỗi năm khi Xuân đến lại càng nhớ nhà, cảm thấy mình không báo hiếu được cho song thân nên tìm đến cái chết. Đông Phương Sóc cảm động, liền hứa rằng nhất định sẽ tìm cách để cô đoàn tụ với gia đình.

Tết Nguyên Tiêu nổi tiếng với lễ hội đèn lồng.
Tết Nguyên Tiêu nổi tiếng với lễ hội đèn lồng.

Một ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung, bày một gian hàng xem bói trong kinh thành Trường An. Nhiều người tranh nhau nhờ xem quẻ. Quẻ của mỗi người đều là "ngày rằm tháng Giêng lửa bén đến thân". Trong phút chốc, cả kinh thành Trường An hoảng sợ, mọi người tranh nhau cầu xin, tìm cách giải trừ tai ương. Đông Phương Sóc bảo rằng:

"Chiều tối ngày rằm tháng Giêng, Hoả thần sẽ phái một thần nữ áo đỏ xuống phàm trần tra xét. Thần nữ chính là sứ giả phụng theo ý chỉ thiêu đốt kinh thành Trường An. Ta sao lục lại lời kệ đưa cho mọi người, có thể vào ngày hôm đó nghĩ ra được biện pháp".

Nói xong liền vất xuống đất một tờ thiếp đỏ rồi sải bước ra đi. Mọi người vội nhặt lên đem đến hoàng cung bẩm báo Hoàng thượng. Hán Vũ Đế cầm xem, chỉ thấy bên trên viết rằng:

"Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm".

Vũ Đế kinh hãi liền cho mời Đông Phương Sóc túc trí đa mưu đến. Đông Phương giả vờ suy nghĩ rồi nói:

"Thần nghe nói Hoả thần rất thích ăn bánh trôi, nàng Nguyên Tiêu trong cung chẳng phải là người thường nấu cho bệ hạ ăn đó sao"?

"Đêm rằm tháng Giêng bệ hạ bảo nàng Nguyên Tiêu làm bánh trôi, bệ hạ thắp hương dâng cúng, truyền lệnh cho nhà nhà trong kinh thành đều làm bánh trôi đồng loạt dâng cúng Hoả thần. Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa, làm như vậy có thể qua mặt được Thượng Đế. Ngoài ra, thông báo cho dân chúng ngoài thành vào đêm rằm tháng Giêng vào thành xem hoa đăng, để tiêu tai giải nạn".

"Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa...".
"Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa...". (Ảnh: internet).

Hán Vũ Đế nghe qua liền mừng rỡ, thực thi y lời Đông Phương Sóc. Đến ngày rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, người người vui chơi vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ nàng Nguyên Tiêu cũng dẫn em gái của nàng vào thành. Khi họ nhìn thấy trên đèn treo trong cung viết hai chữ "Nguyên Tiêu" liền hét lớn: "Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!" Nàng Nguyên Tiêu nghe được và cuối cùng đoàn tụ với gia đình.

Cứ như thế náo nhiệt suốt cả đêm, kinh thành Trường An quả nhiên vô sự. Hán Vũ Đế rất vui mừng liền hạ lệnh từ đó về sau, mỗi năm đến rằm tháng Giêng đều làm bánh trôi dâng cúng Hỏa thần, cả thành treo đèn đốt lửa. Vì bánh trôi do nàng Nguyên Tiêu làm rất ngon nên ngày đó còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. Bánh Nguyên Tiêu cũng gọi là thang viên – viên tròn trong nước, xuất phát từ ý nghĩa sum họp và sự tốt lành sinh lợi.

Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một sự tích Tết Nguyên Tiêu khác như sau. Ngày xưa, có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15 tháng Giêng xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới.

Rất may cho loài người là có một số vị thần trên thiên đình không đồng ý với quyết định này của Ngọc Hoàng nên đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.

Bánh Nguyên Tiêu.
Bánh Nguyên Tiêu. (Ảnh: internet)

Bánh Nguyên Tiêu rất giống với bánh trôi của Việt Nam ta, nhưng cách làm lại khác: nhân bánh được cán mỏng và cắt miếng, sau cho vào chiếc sàng rung trong có chứa sẵn bột gạo nếp, rung đến đâu bột nếp bám đầy nhân đến đó cho đến khi vê thành chiếc bánh tròn, cỡ bằng quả bóng bàn. Bánh Nguyên Tiêu đã trở thành nét văn hóa đẹp trong truyền thống Trung Hoa, tựa như chiếc bánh chưng xanh của người Việt.

Năm 2024, ngày Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng nhằm vào Thứ Bảy ngày 24/2 dương lịch, đúng vào dịp nghỉ cuối tuần nên rất thuận tiện cho các gia đình chuẩn bị chu đáo lễ cúng. 

Cúng Rằm tháng Giêng 2024 ngày nào đẹp?

Thời gian cúng rằm tháng Giêng tốt nhất là vào sáng 24/02/2024 (tức ngày 15/1 âm lịch)

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tổ chức lễ cúng rằm tháng Giêng đúng ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng, gia chủ không nhất thiết phải cùng rằm tháng Giêng vào đúng ngày 15 âm lịch, có thể cúng sớm từ ngày 14 nhưng không được cúng sau. Quan trọng nhất là thành tâm. Thời gian cúng rằm tháng Giêng có thể là từ sáng sớm ngày 14/1 âm lịch đến trước 19h ngày 15/1 âm lịch.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì?

Nhiều gia đình sửa soạn, bày mâm cỗ tươm tất, chu đáo để mong may mắn cả năm. Mâm cỗ được từng gia đình chuẩn bị theo điều kiện kinh tế, không cần quá cầu kỳ nhưng vẫn thường đảm bảo các món cơ bản. Dưới đây là gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đơn giản.

Mâm cỗ cúng Phật gồm: hoa quả, chè xôi, rau xào chay nêm ít gia vị, canh nấm hoặc rau củ quả xào chay, các món đậu. Nhiều gia đình có thể thêm bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong một năm trôi chảy, thuận hòa. Lễ vật cúng Phật bao gồm: Hương, hoa, đèn nến. Màu sắc của các món ăn trên mâm cỗ chay được cho là tượng trưng cho sự hiện diện của ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ăn cơm chay cũng là cách hướng tới sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên gồm: thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Gà là vật cúng tế linh thiêng nhất, còn xôi gấc có màu đỏ sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới. Các món ăn khác như giò, chả, rau xào... cũng được dùng cúng gia tiên vào ngày này. Ngoài ra còn có lễ vật bao gồm: Hương, hoa tươi, quả tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu trắng, thuốc lá...

Cập nhật: 24/02/2024 Tổng Hợp
  • 3,312
  • 10.610